Khởi nghiệp là gì? Chi tiết 27 bước startup từ ý tưởng đến IPO 

khởi nghiệp là gì? tổng hợp các bước startup mới nhất

Khởi nghiệp là gì? Đâu là những giai đoạn, các bước và lưu ý để triển khai một dự án startup thành công? Cùng SOM hệ đúc kết và thảo luận sâu ‘tất tần tật’ công việc và thử thách mọi công ty startup phải trải qua trong bài tổng hợp 27 bước khởi nghiệp dưới đây nhé!

Khởi nghiệp là gì?

Khởi nghiệp là gì? Đâu là sự khác biệt giữa Startup và tự doanh thông thường

Khởi nghiệp là khái niệm thường bị hiểu sai với tự chủ kinh doanh. Cùng là khởi sự kinh doanh, startup là khái niệm gắn liền với ý tưởng, mô hình kinh doanh mới, thường mở ra một ‘thị trường mới’/ phân khúc mới giàu tiềm năng trong khi ‘lập nghiệp’ theo hướng tự doanh thường thiếu đi yếu tố sáng tạo, khai thác những gì có sẵn trên thị trường.

Bởi vậy các dự án startup thường mang tính đột phá, tiên phong với tiềm lực vô hạn nhưng cũng đầy mạo hiểm, đòi hỏi sự đầu tư, tiếp sức từ bên ngoài để thử nghiệm khả năng nhân rộng. Ngược lại các mô hình tự doanh truyền thống thường an toàn, đóng khung trong những mô típ cũ, ít thu hút nguồn lực ‘viện trợ’ từ các nhà đầu tư hơn. 

Song song với đó, khởi nghiệp cũng được chia làm 2 trường phái. 

  • Với trường phái startup truyền thống, ý tưởng khởi nghiệp thường bắt đầu với một sản phẩm mang tính đột phá. 
  • Với trường phái lean startup, việc khởi nghiệp thường dựa vào việc làm mới mô hình kinh doanh – phát triển dựa trên những nhu cầu có sẵn trên thị trường, tập trung vào tối ưu trải nghiệm người dùng theo các cách thức tối ưu hơn. Chẳng hạn như: Coolmate làm mới mô hình kinh doanh quần áo lót bằng hình thức subscription.

Cụ thể hơn, tham khảo thêm tại các mô hình khởi nghiệp kinh doanh phổ biến hiện nay!  

4 giai đoạn trưởng thành của một startup

Từ khi còn là ý tưởng sơ khai đến khi được hiện thực hóa và thành công lên sàn, một công ty khởi nghiệp sẽ trải qua nhiều giai đoạn với trọng tâm khác nhau. Có 4 giai đoạn chính mà công ty startup nào cũng phải trải qua trong hành trình ‘lột xác’:

  • Discovery phase: Giai đoạn tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp, chắt lọc ý tưởng và chọn ra ý tưởng có tiềm năng và xác suất thành công cao nhất.
  • Validation phase: Giai đoạn chạy thử, đây cũng là giai đoạn khó khăn, thăng trầm nhất của một ý tưởng khởi nghiệp. Thành công hay thất bại đều mang ý nghĩa và bài học quan trọng giúp hình thành MVP – sản phẩm khả dụng tối thiểu. 
  • Efficiency phase: Sau khi đã phát triển được MVP và tim được thị trường phù hợp, đây là giai đoạn biến dự án khởi nghiệp thành mô hình kinh doanh có tiềm năng nhân rộng, mở rộng và bền vững. 
  • Growth phase: Giai đoạn trưởng thành, IPO và thoát khỏi việc gán mác ‘khởi nghiệp’. 

Mỗi giai đoạn sẽ có từng bước triển khai và lưu ý khác nhau. Cụ thể ra sao, dưới đây là 27 bước khởi nghiệp từ A-Z cho từng giai đoạn.

Phiên bản rút gọn: Quy trình lập kế hoạch khởi nghiệp tối ưu từ ý tưởng đến triển khai

27 bước triển khai khởi nghiệp và các lưu ý trong từng giai đoạn

27 bước triển khai khởi nghiệp và các lưu ý trong từng giai đoạn

1.  Discovery phase – Giai đoạn tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp

Bước 1:  Hiểu đúng về khởi nghiệp và xác định thái độ đúng

Như đã đề cập, khởi nghiệp là nhắm tới việc trở thành mô hình doanh nghiệp đầu tiên đi giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết thông qua các sáng tạo đột phá. Khi bước chân lên con đường khởi nghiệp, đồng nghĩa với việc bạn đang thách thức những quy luật chung của thị trường hiện tại. Điều này thường rất khó và đầy chông gai. Đôi lúc thành công và thất bại cách nhau ở nhiều năm nỗ lực.

Bởi vậy nếu mục tiêu của bạn chỉ là để thoát khỏi cuộc sống công sở, tự làm chủ của chính mình, thì khởi nghiệp không phải điều nên làm. Thay vào đó hãy tận dụng những hiểu biết, kiến thức, kỹ năng của bản thân vào lập nghiệp với các mô hình kinh doanh truyền thống. 

Bước 2: Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp gốc

Cách nhanh nhất để tìm thấy ý tưởng khởi nghiệp là nhìn vào những vấn đề thị trường có thể giải quyết nhưng không ai thực hiện. Và cách tốt nhất để nhìn thấy điều đó là khi bạn là những người ‘xông xáo’ trên tuyến đầu của lĩnh vực kinh doanh hoặc là chuyên gia trong phát triển công nghệ. Nếu ý tưởng khởi nghiệp không đến từ chính lĩnh vực bạn am hiểu nhất, càng phát triển lên sau nhiều ‘bản thử’, bạn sẽ càng đi vào ngõ cụt và bế tắc.

Bởi suy cho cùng, khởi nghiệp là khi nhìn thấy những cơ hội và tiềm năng để ‘đánh liều’. Khi các ý tưởng khởi nghiệp nằm ngoài tầm mắt và chuyên môn, đôi lúc bạn sẽ phải đi một con đường vòng trước khi có thể ươm mầm ý tưởng.  

Bước 3:  Đánh giá ý tưởng khởi nghiệp – thị trường và độ cạnh tranh

Hãy đánh giá về những sản phẩm, dịch vụ tương tự trên thị trường. Một thị trường có quá nhiều đối thủ lớn là dấu hiệu không tốt. Một thị trường có quá ít đối thủ cạnh tranh cũng vậy. Đôi lúc bạn đã có trong tay một ý tưởng hay, chỉ là thị trường có quá nhiều rào cản hay không đủ nhu cầu và dinh dưỡng để nuôi startup của bạn lớn! 

Lý tưởng nhất đó là khi bạn tìm thấy những công ty trên thị trường đang phần nào đó giải quyết các vấn đề tương tự với bạn nhưng theo cách khác. Vì sao lại vậy? Vì điều đó chứng tỏ thị trường đang có nhu cầu và vẫn còn các khoảng trống để bạn xâm nhập bằng các giải pháp đột phá, sáng tạo và toàn diện hơn!

Và kinh doanh là cuộc chiến có tổng bằng 0. Muốn tăng trưởng phải xác định được đâu là thị phần bạn sẽ chiếm lấy. Định danh được đối thủ sẽ là bước đầu để định hình chiến lược tương lai.

Bước 4:  Phác thảo kế hoạch kinh doanh với mô hình lean canvas 

Khởi nghiệp là mô hình cần sự linh hoạt, có thể điều chỉnh dễ dàng. Bởi vậy việc phát triển các bản kế hoạch hàng chục trang giấy sẽ trở nên vô nghĩa. Các tốt nhất để triển khai cho giai đoạn này là ứng dụng mô hình lean canvas – bản kế hoạch 1 trang giấy.

Mô hình này sẽ tập trung vào định hình các khía cạnh dưới đây:

  • Problem: Vấn đề startup của bạn muốn giải quyết là gì?
  • Solution: Cách bạn giải quyết vấn đề đó ra sao?
  • Key Metrics: Đâu là các chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả rằng bạn đang đi đúng hướng hay không?
  • Unique Value Proposition: Đâu là yếu tố khác biệt hóa giải pháp của bạn với các đối thủ trên thị trường?
  • Unfair Advantage: Lý do gì khiến startup của bạn thành công hơn các doanh nghiệp khác, kể cả khi họ có nhiều tài nguyên, nguồn lực hơn? 
  • Channels: Đâu là cách bạn tiếp cận khách hàng mục tiêu trong giai đoạn đầu và giai đoạn sau
  • Customer Segments: Đâu là những phân khúc khách hàng đang gặp vấn đề bạn muốn giải quyết? Đâu là tệp khách hàng trọng điểm cần tiếp cận trước? Đâu là những nhóm dễ tiếp cận trước? 
  • Cost Structure: Cấu trúc chi phí của doanh nghiệp cụ thể ra sao?
  • Revenue Streams: Startup của bạn kiếm tiền bằng cách nào?

Tham khảo thêm: Tiêu chí đánh giá ý tưởng khởi nghiệp từ góc độ nhà đầu tư

Ngoài ra bạn cũng cũng có thể ứng dụng những định hướng trên để phát triển ‘value proposition‘ cho doanh nghiệp. Đây là một mô hình rút ngắn, làm rõ sự khác biệt trong giải pháp cung cấp của doanh nghiệp bạn và thị trường, đồng thời cũng là kim chỉ nam, định hướng cho các chiến lược trong ngắn, trung và dài hạn.

Bước 5:  Đánh giá ý tưởng khởi nghiệp từ góc độ khách hàng

Sau khi xác định được đối tượng mục tiêu mà bạn ‘nhắm tới’ đầu tiên, hãy tiếp cận họ và nghiệm chứng liệu ý tưởng của bạn sẽ mang lại những thay đổi gì, có khả thi và cần thiết cho cuộc sống của họ hay không?

Bước 6:  Tìm đồng đội chung chí hướng – các Co-Founder

Các dự án startup có nhiều hơn 1 founder thường đáng tin hơn trong mắt nhà đầu tư. Bởi suy cho cùng sức người có hạn, một người có thể ‘ăn ngủ’ cùng dự án nhưng không thể thu vén toàn diện mọi vấn đề một cách tối ưu. Thường thì một dự án có ít nhất 2 founder sẽ mang tính bảo hiểm hơn, bổ khuyết và hỗ trợ tốt hơn trong giai đoạn đầu gian truân của khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, việc lựa chọn sai co-founder cũng có thể là nguyên nhân khiến dự án ‘đứt gánh’ giữa chừng. Bởi vậy hãy nên chỉ làm việc chung với những người mang chung tầm nhìn, mục tiêu, giá trị và có thể cùng nỗ lực vì mục tiêu chung. Khác biệt về hệ giá trị, về lâu về dài sẽ tạo ra những xung đột không đáng, gây mệt mỏi về cả tinh thần lẫn hiệu suất công việc.

2. Validation phase – Giai đoạn đánh giá và kiểm chứng 

các bước khởi nghiệp và các lưu ý trong từng giai đoạn

Bước 1: Đánh giá sự hứng thú của thị trường qua các nền tảng xã hội

Hãy ‘thử nước’ thị trường bằng các chiến lược nội dung và mạng xã hội để đánh giá sự quan tâm của người dùng. Các group, nhóm cộng đồng có sẵn sẽ là nơi thuận tiện nhất để thu thập phản hồi và ý kiến đóng góp của họ với các giải pháp bạn đang phát triển. 

Bước 2:  Đánh giá độ sẵn sàng chi trả của đối tượng mục tiêu với giải pháp của bạn

Sự quan tâm và hứng thú với sản phẩm/ dịch vụ đôi lúc chưa đủ để đi đến quyết định ‘trả tiền’. Ở bước này, bạn cần đánh giá liệu họ có sẵn sàng chi trả cho các giải pháp bạn cung cấp hay không. 

Có nhiều cách để test thử. Chẳng hạn phát triển các landing page để chạy chiến dịch ngắn, đưa ra các khuyến mãi khi đặt trước (pre-order)…!

Bước 3: Đo lường định lượng kết quả thử nghiệm

Có 3 viễn cảnh có thể xảy ra:

  • Kết quả xấu: Khai tử ý tưởng hoặc quay lại giai đoạn 1 để làm ra các đại điều chỉnh cần thiết và tiếp tục thử nghiệm. Đây là giai đoạn bạn chưa ‘rót’ quá nhiều tiền vào dự án đến không thể quay đầu, vì vậy nên tránh cố chấp vào niềm tin cá nhân và lắng nghe phản hồi thực tế để tối ưu các kết quả tiếp theo.
  • Kết quả nửa tốt nửa xấu: Đây là kết quả nguy hiểm, dễ bị phiên dịch theo thiên kiến cá nhân. Thay vì kết luận đủ tốt để triển khai hoặc đủ xấu để loại bỏ, hãy khoanh vùng dần các nguyên nhân từ giải pháp, giá, các yếu tố thị trường, trải nghiệm landing page, các nút kêu gọi. Đôi lúc vấn đề không đến từ sản phẩm/ dịch vụ mà từ cách tiếp cận khách hàng. Hãy làm rõ, thậm chí tiếp tục thử nghiệm để kiểm chứng!  
  • Kết quả tốt vượt mong đợi: Tất nhiên, chẳng còn gì phải bàn! Bạn hoàn toàn có thể tự tin triển khai bước tiếp theo!

Bước 4: Thành lập công ty

Đây là bước có thể làm từ sớm hoặc muộn tùy vào kế hoạch khởi nghiệp của bạn. Thường thì việc hợp thức hóa và hợp pháp hóa công ty hay xảy ra khi:

  • Bạn và co-founder muốn xác lập quyền sở hữu và cổ phần cho startup chung
  • Dự án khởi nghiệp bắt đầu đem lại lợi nhuận
  • Dự án khởi nghiệp đang bước sang giai đoạn tìm vốn đầu tư

Bước 5:  Tìm vốn khởi nghiệp ban đầu

Lúc này giải pháp của bạn vẫn chỉ nằm ở mặt ‘ý tưởng’ và cần phát triển các nguyên mẫu thực tế (MVP) để bước vào giai đoạn ‘thử thị trường giai đoạn 2’. Bởi vậy sẽ rất khó để gọi vốn từ các nhà đầu tư. Suy cho cùng ý tưởng là vô giá theo cả 2 nghĩa. Thứ các nhà đầu tư tìm kiếm không chỉ là tiềm năng mà còn cả các dự án mang về kết quả thực tế có thể kiếm chứng được.

Lúc này bên cạnh nguồn tài chính cá nhân, bạn có thể kêu gọi đầu tư tư bạn bè, người thân, hoặc xa hơn, các mối quan hệ cá nhân – những người đầu tư không vì ý tưởng startup mà vì tin tưởng vào khả năng của bạn. 

Ngoài ra bạn có thể tiếp cận các nguồn vốn từ crowdfunding. Đây cũng là cách vừa test thử sự quan tâm của thị trường, vừa thu hút vốn cho doanh nghiệp mà bạn có thể cân nhắc.

Bước 6:  Phát triển MVP – nguyên mẫu hoàn thiện tối thiểu có thể tung ra thị trường

MVP tập trung vào những yếu tố tối quan trọng phục vụ thị trường mục tiêu của bạn. Ở các giai đoạn sau, bạn có thể dần dần hoàn thiện tính năng phụ hoặc đa dạng hóa các lựa chọn. 

Việc phát triển các MVP ở giai đoạn này cũng là cách để thu thập phản hồi, đánh giá mức độ hài lòng, biên độ ‘tha thứ’ cho các sản phẩm của bạn, từ đó phát triển hoàn thiện hơn.   

Bước 7: Ra mắt MVP 

Một lưu ý khi ra mắt sản phẩm mới cho startup, đó là hãy nhớ lại mục tiêu ban đầu. Ra mắt MVP chỉ đơn giản là thu hút thêm beta-user, thu thập phản hồi, góp ý và cải thiện sản phẩm. Bởi vậy đừng đầu tư cho các chiến dịch rầm rộ, suy cho cùng mục tiêu lúc này chỉ là thu hút một lượng khách hàng vừa đủ lớn mà thôi!

Bước 8: Đo lường kết quả launching

Giai đoạn này chủ yếu đánh giá về market-fit – độ phù hợp và giá trị của sản phẩm đối với đối tượng mục tiêu. 

Lúc này hãy xác định các KPI phù hợp để đo lường kết quả bên cạnh các chỉ số doanh thu. chẳng hạn nếu đó là các dự án khởi nghiệp công nghệ, bạn có thể đánh giá về các chỉ số như daily/weekly/monthly active users hay retention rate (tần suất quay lại)..

Kế đó là các phản hồi từ khách hàng – cả những điều khiến họ hài lòng và khó chịu, từ đó nhân rộng các yếu tố tích cực và tối thiểu hóa các vấn đề chưa tối ưu ở mẫu sản phẩm đầu tiên!

3. The Efficiency Phase – Giai đoạn tập trung cải thiện hiệu suất

Lưu ý trong từng giai đoạn startup

Bước 1:  Bước vào giai đoạn gọi vốn khởi nghiệp vòng 2

Nếu dự án khởi nghiệp của bạn là dự án có khả năng scale-up, mở ra thị trường mới, có khả năng tăng trưởng nhanh thì để giữ vững vị thế tiên phong và dẫn đầu, việc kêu gọi vốn từ các đơn vị đầu tư là cách tốt nhất. Lợi ích của việc gọi vốn đầu tư là bạn sẽ ‘nhẹ đầu’ hơn trong giai đoạn kinh doanh đầu tiên khi chi phí vượt quá doanh thu (có thể kéo dài tới vài năm). 

Bên cạnh đó mạng lưới quan hệ của nhà đầu tư cũng là thứ bạn có thể tận dụng để tìm kiếm đối tác, cố vấn, các nhà cung ứng và thậm chí khách hàng.

Ngược lại, nếu dự án khởi nghiệp của bạn chỉ hiệu quả trong thị trường ngách, tiềm năng mở rộng không lớn, bạn nên tính đến chuyện ‘tăng trưởng chậm và chắc’, tránh phụ thuộc vào vốn ngoài để duy trì quyền sở hữu cá nhân. Bởi khi ‘đánh đổi’ một phần cổ phần cho tài chính ngắn hạn, có thể bạn sẽ gặp áp lực từ những tham vọng ‘cấp tiến’ của nhà đầu tư trong các đường lối kinh doanh sau này. Và tất nhiên, điều đó luôn đi kèm với những biên độ rủi ro cao hơn.

Tham khảo thêm tại: các bước gọi vốn khởi nghiệp và những lưu ý không thể phớt lờ khi đối mặt nhà đầu tư 

Bước 2:  Tinh chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn

Khi các MVP đã thành công thâm nhập thị trường, các startup sẽ có khả năng đo lường chi phí cho một khách hàng (acquisition cost) và giá trị lâu dài của khách hàng (customer lifetime value) .Dựa vào chỉ số đo lường trên, các công ty khởi nghiệp có thể tiến hành thu hẹp tệp đối tượng mục tiêu, tập trung vào phân khúc mang lại lợi nhuận tốt nhất cũng như cách tiếp cận hiệu quả nhất. 

Chẳng hạn ở giai đoạn đầu, startup của bạn bán hàng chủ yếu qua các đơn vị trung gian để tận dụng tệp khách hàng có sẵn từ họ. Trong quá trình thử nghiệm, nếu startup của bạn tìm thấy phương thức khác mang lại nhiều khách hàng hơn với acquisition cost thấp hơn, đây có thể là lúc thích hợp để ‘tái cơ cấu’ trọng tâm chiến lược.

Bước 3: Scale-up mô hình 

Khi đã sở hữu một sản phẩm phù hợp với thị trường (market-fit) và một mô hình kinh doanh ‘bền vững’, đây cũng là lúc các công ty khởi nghiệp có thể suy tính đến việc nhân rộng quy mô. 

Tuy nhiên trước khi ‘rập khuôn’ những gì đang làm với quy mô lớn hơn, bạn cần đánh giá kỹ về khả năng scale-up của mô hình hiện tại. Hãy bắt đầu từ câu hỏi, đâu là lý do khiến những ‘khách hàng đầu tiên’ ủng hộ sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Đối lúc, họ chọn bạn vì trải nghiệm và dịch vụ chăm sóc vượt trội khi còn ở quy mô nhỏ – điều rất khó đảm bảo khi mở rộng ở quy mô lớn.

Chẳng hạn Datbike – thương hiệu startup thắng đậm nhờ sự quan tâm và chất lượng dịch vụ ngay cả khi sản phẩm còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Thế nhưng nếu scale up lên, nguồn lực đầu tư để đảm bảo chất lượng dịch vụ vẹn nguyên như ban đầu sẽ là một bài toán cần giải quyết.

Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp có thể xảy ra, chẳng hạn như, phân khúc khách hàng cấp tiến rất dễ tiếp cận nhưng khi nhân rộng ra thị trường nói chung, chi phí chuyển đổi lại khá cao. Nếu giai đoạn đầu ‘thắng đậm nhờ hên’, để scale up trong giai đoạn sau, bạn sẽ cần cẩn trọng hơn trong từng quyết định!

Bước 4: Xây dựng core team

Theo mô hình balanced scorecard, sự thay đổi về một yếu tố sẽ dẫn tới sự thay đổi của các yếu tố còn lại. Khi quy mô mở rộng, mục tiêu doanh số tăng cao sẽ kéo theo sự thay đổi về nguồn lực và chi phí. Ở giai đoạn này nếu đã được rót vốn, mọi chi phí đều có thể tiết kiệm nhưng đừng tiết kiệm chi phí nhân sự – những người không chỉ đồng hành phát triển, hoàn thiện sản phẩm mà còn hỗ trợ chăm sóc khách hàng. 

Lúc này hãy tính đến việc xây dựng các team ‘in-house’ chất lượng để giải quyết các bài toán phải tốn ‘hằng hà chi phí’ khi thuê ngoài nhưng không được như ý. Khi khởi nghiệp, ‘đừng phụ thuộc quá nhiều vào các chuyên gia bên ngoài’. Bắt đầu từ việc đầu tư team nội bộ chất lượng sẽ mang đến lợi ích đường dài cho chặng đường dài, thậm chí cho cả các dự án khởi nghiệp tiếp theo. 

Bước 5: Xây dựng văn hóa khởi nghiệp và hiệu suất

Khởi nghiệp là ‘đạo’. Công ty khởi nghiệp cần bắt đầu với một văn hóa khởi nghiệp – văn hóa ‘learn and development’; văn hóa cháy hết mình, chấp nhận thách thức và không ngại việc, không thay đổi. Thứ tinh thần đó phải ăn sâu vào văn hóa, từ khâu tuyển dụng, đào tạo đến vận hành. Một startup chỉ có thể phát triển nhanh khi mọi cá nhân nhìn về cùng một hướng. 

Bởi vậy ở giai đoạn này, phong cách lãnh đạo, các kỹ năng con người, concept hóa, truyền cảm hứng, truyền động lực, trao quyền là những kỹ năng vô cùng cần thiết ở các nhà lãnh đạo khởi nghiệp!

3 nhóm kỹ năng lãnh đạo, quản lý quan trọng trong thời kỳ mới

Bước 6: Tìm cách ‘kích thích’ tăng trưởng tự nhiên

Đây là giai đoạn bạn nên tính đến các hoạt động branding ‘nhẹ nhàng’ thông qua word-of-mouth, tạo cộng đồng, các chương trình giới thiệu, deal độc quyền… Nếu một mô hình khởi nghiệp chỉ phụ thuộc vào các hình thức trả phí để tăng thu, đó sẽ là mô hình không bền. Tùy vào cách sáng tạo, mối quan hệ và kinh nghiệm cá nhân, đây là lúc bạn cần suy tính nhiều hơn về thương hiệu và thái độ của khách hàng với startup của mình. 

4. The Growth Phase – Giai đoạn tăng trưởng bùng nổ

các bước startup và lưu ý trong từng giai đoạn khởi nghiệp

Bước 1: Tiếp tục gọi vốn để làm chủ thị trường

Khi đã chứng minh được đầy đủ tiềm năng lợi nhuận thông qua con số tài chính, bạn có thể tính đến việc tiếp cận các nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) để ‘mạnh tay hơn’ cho các kế hoạch thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên nếu startup của bạn chưa đủ lớn, chưa chạm khẩu vị của các VC, tiếp cận họ trong giai đoạn này chỉ tốn thời gian và ‘hạ thấp’ cơ hội hợp tác trong tương lai.

Bước 2: Đầu tư mạnh tay cho các hình thức tăng trưởng ‘phi tự nhiên’

Mục tiêu cuối cùng của các startup khi tái định nghĩa thị trường không phải là tạo ra một lựa chọn mang tính cạnh tranh mà là tạo ra một thị trường mới mà ở đó, họ là kẻ thống trị hoặc độc quyền. Bởi vậy mục tiêu của giai đoạn này là ‘ăn càng nhiều thị phần càng nhanh càng tốt’ trước khi đối thủ tiềm tàng kịp chen chân vào.

Lúc này phủ lấp thị trường với quảng cáo, quảng cáo và quảng cáo sẽ là cách thức nhanh, mạnh, dứt khoát nhất để chiếm thị phần từ tâm trí đến túi tiền của đối tượng mục tiêu. Nói vậy không có nghĩa là cứ ‘đốt tiền’ cho quảng cáo là mang lại hiệu quả tối ưu. Hãy cân nhắc thật kỹ mục tiêu cho từng giai đoạn và có KPI rõ ràng để tránh ‘quảng cáo giữa sương mù’ – lỗi rất nhiều startup mắc phải khi đột nhiên sở hữu nguồn vốn quá lớn!

Bước 3: Mở rộng các tệp khách hàng phụ

Ở bước này bên cạnh tệp khách hàng trọng điểm, các công ty khởi nghiệp nên mở rộng thêm các tính năng, phiên bản, sản phẩm để tiếp cận các tệp đối tượng lân cận. Chẳng hạn như Facebook mới đầu chỉ nhắm vào đối tượng sinh viên, giờ đây đã trở thành ‘vũ trụ chung’ cho mọi đối tượng.

Bước 4: Mở rộng thị trường sang các phân mảng lân cận

Khai thác lợi thế bản thân và mở rộng hệ sinh thái sản phẩm/ dịch vụ sang thị trường lân cận cũng là một cách để tiếp đà tăng trưởng. Ví dụ dễ thấy nhất là Grab. Từ xe ôm công nghệ, giờ grab đã có mặt ở gần như mọi phân mảng di chuyển như ship đồ, đặt đồ ăn, đi chợ…

Bước 5: Phát triển theo chiều dọc

Đó là khi các công ty startup tính đến việc gồm thâu các chuỗi công ứng để giảm chi phí và tăng cường hiệu suất hoạt động trong môi trường ngày càng cạnh tranh. Chẳng hạn các công ty máy tính sẽ bắt đầu lấn sân sang các lĩnh vực sản xuất linh kiện, phát triển chip…

Bước 6: Hướng tới phát triển thành platform (nền tảng)

Trở thành nền tảng chung cho hệ sinh thái đa dịch vụ gần như có thể nói là đích đến cuối cùng của mọi công ty khởi nghiệp. Khi giữ khách hàng trong một thế giới đóng (như Apple), điều đó luôn ‘ngọt ngào’ hơn việc phải cạnh tranh trong một thế giới mở ai cũng chực chờ ‘xâu xé’ thị phần của đối phương.

Bước 7:  Nghỉ hưu sớm hoặc IPO

Lựa chọn ra sao, phụ thuộc vào định hướng tương lai của bạn. Có người lựa chọn sống chết với dự án của mình, có người lựa chọn bán lại, nghỉ hưu sớm hoặc tiếp tục đầu tư cho các dự án khởi nghiệp kế tiếp. 

Tuy vậy đây có thể là đích đến gần như khá xa với với hầu hết startup ở giai đoạn hiện tại.  Ngay lúc này, hãy tập trung vào làm tốt tất cả những gì bạn có thể và trông đợi vào một tương lai đầy quả ngọt cho chặng đường khởi nghiệp đầy gian truân phía trước!

Chúc bạn thành công!

Facebook
LinkedIn
Email
Print
Viện Công Nghệ Châu Á - AIT

Trường Quản Lý - SOM

Mục tiêu của chúng tôi tại Trường Quản lý (SOM) là tác động đến chất lượng giáo dục và thực tiễn quản lý ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới: nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, dẫn đầu công nghệ, tinh thần kinh doanh, sự giàu có sự sáng tạo và niềm tự hào.

0
Năm
Thành lập
0 0
Chương trình
Đào tạo

CONTACT US

Kết nối cùng SOM-AIT để cập nhật thêm thông tin về các chương trình: Thạc sĩ, Tiến sĩ, Đào tạo ngắn hạn, học bổng…