6 sai lầm khi chuyển đổi số: bài học xương máu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ

6 sai lầm khi chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nghiên cứu từ Forbes cho thấy 70% doanh nghiệp gặp thất bại hoặc khó khăn khi triển khai chuyển đổi số. Làm thế nào để doanh nghiệp của mình nằm trong 30% thành công còn lại? Cùng SOM nhận định các sai lầm khi chuyển đổi số phải biết để tránh’ trong bài viết dưới đây nhé!

6 sai lầm khi chuyển đổi số: bài học xương máu từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sai lầm khi chuyển đổi số của đại đa số doanh nghiệp: Không có chiến lược rõ ràng

Đây là vấn đề chung của cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Họ bước vào chương trình chuyển đổi số khi vẫn còn thiếu một chiến lược rõ ràng. Họ cho rằng cứ ứng dụng công nghệ thì doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu, tăng năng suất để rồi ‘vỡ mộng’ với những kết quả ngược lại, những hệ thống ‘bỏ xó’, những phần mềm đổi tới đổi lui… 

Chuyển đổi số là câu chuyện cần nhiều hơn thế. Nó đòi hỏi doanh nghiệp cần phác thảo chiến lược triển khai cụ thể. Càng chi tiết, rõ ràng, soi chiếu toàn diện càng giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, rủi ro phát sinh và tránh những khúc mắc nội bộ. Cụ thể, một chiến lược chuyển đổi số phải đi qua các bước sau:

  • Xác định thực trạng doanh nghiệp và mong muốn trong tương lai. 
  • Đối chiếu với nội tại, xác định những xu hướng chuyển đổi có thể giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp hoặc giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu.
  • Chọn lựa những phương án số phù hợp với con người, nguồn lực.  
  • Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho từng phòng ban 
  • Chuẩn bị các phương án dự trù nếu chuyển đổi gây ra quá nhiều vấn đề

Chưa xây dựng văn hóa “thích nghi với thay đổi” luôn là một trong các lý do khiến chuyển đổi số thất bại

Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ cho rằng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chưa phải là quan tâm lớn. Đây là một sai lầm phổ biến dẫn đến nhiều hệ quả, đặc biệt khi khi doanh nghiệp chuyển đổi số. 

Và một trong những văn hóa đầu tiên cần xây dựng trước khi chuyển đổi số, đó là văn hóa học tập và văn hóa thay đổi. Tuy vậy, không phải ai cũng sẵn sàng cho việc thay đổi, kể cả các nhân sự cấp cao.

Doanh nghiệp càng có nguồn vốn hạn chế lại càng sợ thất bại, thậm chí trừng phạt nhân viên khi sai lầm. Vì vậy mà trong cải cách, luôn có rất nhiều phản kháng và sự e sợ từ nội bộ, thiếu người dám đứng dậy đảm đương những bài toán ngoài chuyên môn “chẳng ai dám giải’.

Thêm vào đó, thói quen ngại thay đổi, ngại bước ra khỏi vùng an toàn của nhân viên ở nhiều doanh nghiệp đã khiến cho việc triển khai chiến lược chuyển đổi số trở nên trì trệ và gian nan hơn. Nhiều nhân sự thường xuyên rơi vào nỗi lo không tên như bị giám sát chặt chẽ hơn, bị thay thế mà không nhìn ra những lợi ích của việc chuyển đổi số.

Để hạn chế điều này, lãnh đạo doanh nghiệp phải nhìn nhận được rằng văn hóa thúc đẩy sáng tạo và chấp nhận thử thách là yếu tố quyết định đến sự thành công trong chuyển đổi số. Rủi ro khi chuyển đổi qua cái mới luôn thường trực. Chỉ khi việc chấp nhận rủi ro, dám thử, dám sai và thích ứng nhanh đã trở thành chuẩn mực văn hóa trong các công ty thì quá trình chuyển đổi số mới thuận lợi hơn.

→ Có thể bạn quan tâm: Mô hình quản trị sự thay đổi trong tổ chức doanh nghiệp

nguyên nhân khiến chuyển đổi số sai cách

Dùng sai người sẽ chuyển đổi số sai cách

Một trong những vấn đề lớn của doanh nghiệp nhỏ chính là hay tận dụng các mối quan hệ quen thân, các nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm để tối ưu nguồn vốn. Đưa thói quen này vào chuyển đổi số đôi lúc sẽ là con đường ngắn nhất dẫn tới thất bại. 

Chuyển đổi số với nhiều doanh nghiệp gần như là một chân trời hoàn toàn mới. Không có nhân lực nắm rõ chuyên môn về chuyển đổi số để hướng dẫn, cả công ty sẽ như một con thuyền cắm đầu ra khơi mà không biết đi hướng nào về đích. 

Ở một góc độ khác, mạng lưới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khá giới hạn, ít kết nối với các chuyên gia công nghệ (do đặc thù quy mô và lĩnh vực). Vì vậy hợp tác sai người hoặc sử dụng tạm những nhân sự cốt cán nhưng thiếu kinh nghiệm và chuyên môn về thế giới công nghệ, sẽ dễ dẫn đến những sai lầm không đáng, gây tổn hại cả về ngân sách đến thanh danh cá nhân. 

Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ mua những ứng dụng không phù hợp, không biết cách giải quyết khi thuật toán không cho ra kết quả mong đợi, hoặc có hàng trăm câu hỏi đặt ra trong quá trình ứng dụng công nghệ nhưng không được giải đáp… Cứ như vậy, từ những sai lầm nhỏ dẫn đến sai lầm lớn, khiến cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp thất bại. 

Và bên cạnh đó, nếu không thể chiêu mộ chuyên gia, nhân tài đồng hành lâu dài, cách tốt nhất là đầu tư đào tạo từ nội bộ bên trong, kết hợp với việc thuê chuyên gia tư vấn ngắn hạn – vừa tư vấn vừa học hỏi. Suy cho cùng chỉ có nội bộ công ty mới hiểu rõ nhất về công ty. Ngay cả các chuyên gia hàng đầu, họ sẽ luôn có điểm mù về các vấn đề mà chỉ nội bộ doanh nghiệp mới thấy!

Không quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng

Một trong các sai lầm khi chuyển đổi số là thờ ơ trước trải nghiệm khách hàng. Nhiều người cho rằng chuyển đổi số chỉ là chuyển nội bộ. Đúng, tuy nhiên, những công việc nội bộ này có hiệu quả hay không, kết quả cuối cùng vẫn thể hiện trên doanh thu và sản phẩm đầu ra – điều được quyết định bởi khách hàng. 

Vì vậy, chuyển đổi số không thể tách bạch với các trải nghiệm của khách hàng. Đừng cố gắng chạy theo công nghệ hiện đại, chạy theo đối thủ cạnh tranh mà lơ là khách hàng. Bởi không mang tới trải nghiệm cho khách hàng thì doanh nghiệp cũng sẽ dần mất thị phần bởi đối thủ cạnh tranh. 

Để thu thập ý kiến của khách hàng với các công nghệ công ty muốn ứng dụng, nên thử các ý tưởng chuyển đổi số trên chính họ một thời gian. Trong giai đoạn thử, doanh nghiệp phải thực sự linh hoạt và thường xuyên cập nhập, phản hồi đánh giá, cải tiến quy trình cho đến khi sản phẩm cuối cùng mang lại những đánh giá tích cực nhất từ khách hàng.

Top đầu các lý do khiến chuyển đổi số thất bại nằm ở quyết tâm của nhà lãnh đạo

lý do chuyển đổi số thất bại

Chuyển đổi số không phải là nhiệm vụ của riêng lãnh đạo. Thế nhưng, nếu không có sự bảo trợ và thúc đẩy từ đội ngũ đứng đầu doanh nghiệp, không chương trình chuyển đổi số nào có thể thành công. 

Sự thúc đẩy đổi mới cần được thực hiện từ cấp cao nhất cho đến nhân viên trong bộ máy doanh nghiệp. Yếu tố cam kết trong toàn bộ hệ thống giúp cho chương trình chuyển đổi số được quản lý và kiểm soát đúng cách để triển khai toàn diện. Nếu lãnh đạo chăm chăm chuyển đổi số mặc cho sự trì hoãn của nhân viên, chiến dịch chuyển đổi không thể thành công được. 

Vậy nên hơn ai hết, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người không chỉ có quyết tâm cao mà còn phải truyền cảm hứng mãnh liệt cho toàn doanh nghiệp. Chỉ khi lãnh đạo hết mình làm việc, hỗ trợ chuyển đổi thì các nhân viên mới tham gia và cam kết trong quá trình thực thi.

Bên cạnh đó, đôi lúc quyết tâm của các nhà lãnh đạo, điều hành cũng là yếu tố khiến chuyển đổi số thất bại. Cụ thể hơn đó là khi họ có sự quyết tâm cao nhưng tiếp cận sai cách, muốn sáng tạo đột phá nhưng bị giới hạn về độ cởi mở và kinh nghiệm cá nhân. Chuyển đổi số đôi lúc đồng nghĩa với đập đi xây lại, thay đổi từ cục bộ đến toàn diện. Cố gắng chỉ đạo một lĩnh vực bên ngoài khả năng, đôi lúc sẽ chỉ dẫn cả dự án vào ngõ cụt.

Có thể bạn quan tâm: 

Chọn lựa công nghệ sai = chuyển đổi số thất bại

Chọn lựa công nghệ tân tiến nhưng không đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng thực tế luôn là một trong các sai lầm khi chuyển đổi số ở doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này xuất phát từ 3 lý do chính:

  • Một là sự thiếu chuyên môn chuyển đổi số như đã đề cập
  • Hai là việc nguồn vốn có giới hạn khiến doanh nghiệp ưu tiên những phương án phù hợp ngân sách nhưng thiếu chất lượng
  • Ba là vì doanh nghiệp chọn lựa ứng dụng quá hiện đại so với cơ sở hạ tầng hiện tại.

Thực tế, các công nghệ mới liên tục ra đời như Blockchain, Big Data, AI, IoT… và nhiều khi khiến các doanh nghiệp trở nên choáng ngợp. Nếu “nhắm mắt” áp dụng tất cả những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất thì khâu chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ rất tốn kém và dàn trải vô ích. Và đôi lúc cùng mang tên một loại ứng dụng – ví dụ CRM nhưng chức năng của từng bên cung cấp lại vô cùng khác biệt, thậm chí chênh lệch ngày đêm.

Vậy nên tùy thuộc vào quy mô, mục tiêu, doanh nghiệp cần lựa chọn các nền tảng công nghệ hiệu quả nhất. Sau khi xác định được nền tảng thì mới đến khâu chọn lựa nhà cung cấp ứng dụng phù hợp, uy tín và hợp tác bền vững. 

Lời khuyên ở đây là doanh nghiệp cần trau dồi chuyên môn về chuyển đổi số, cẩn trọng đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin và chất lượng của các ứng dụng. Đồng thời, cũng cần có lộ trình từng bước nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin để đồng bộ theo lộ trình triển khai. 

vì sao chuyển đổi số thất bại

Tóm lại, chuyển đổi số là một quá trình tốn nhiều thời gian, cần đầu tư bài bản, lâu dài. Đổi lại, hiệu quả mà chúng mang lại sẽ khiến doanh nghiệp tiến rất nhanh, thậm chí nâng cao khả năng cạnh tranh với các ông lớn. 

Vì thế, đừng tiếc đầu tư thời gian, kiến thức, chi phí,… để xây dựng các kế hoạch chuyển đổi hiệu quả nhất. Khi đã chuyển đổi thành công, bạn sẽ thấy tất cả những nỗ lực của mình, của doanh nghiệp là hoàn toàn xứng đáng. 

Có thể bạn quan tâm: 

Đăng ký bài viết
Họ và Tên
Họ và Tên
Facebook
LinkedIn
Email
Print
Viện Công Nghệ Châu Á - AIT

Trường Quản Lý - SOM

Mục tiêu của chúng tôi tại Trường Quản lý (SOM) là tác động đến chất lượng giáo dục và thực tiễn quản lý ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới: nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, dẫn đầu công nghệ, tinh thần kinh doanh, sự giàu có sự sáng tạo và niềm tự hào.

0
Năm
Thành lập
0 0
Chương trình
Đào tạo

CONTACT US

Kết nối cùng SOM-AIT để cập nhật thêm thông tin về các chương trình: Thạc sĩ, Tiến sĩ, Đào tạo ngắn hạn, học bổng…