Trong những năm qua, vai trò của nhà Phân Tích Kinh Doanh (Business Analyst – BA) đã thay đổi đáng kể. Trước đó, BA được biết đến như những người giải thích dữ liệu, thu thập yêu cầu và giúp tổ chức đưa ra quyết định thông minh.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Trí Tuệ Nhân Tạo (AI – artificial intelligence) và Học Máy (Machine learning), tổng quan ngành phân tích kinh doanh đã biến đổi mạnh mẽ. Các BA hiện có trong tay những công cụ mạnh mẽ hơn bao giờ hết để bổ trợ các phương pháp và kỹ thuật truyền thống, tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại và giảm thiểu sai sót của con người. Bài viết này sẽ làm rõ những tác động của AI lên ngành phân tích kinh doanh một cách cụ thể.
AI cung cấp cách làm việc hiện đại, cải thiện hiệu suất phân tích kinh doanh
Một trong những lợi ích lớn nhất của việc tích hợp AI và ML vào phân tích kinh doanh là việc thay thế các phương pháp làm việc truyền thống bằng bằng những kỹ thuật hiện đại hơn. Những công nghệ này có thể xử lý và phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ trong thời gian ngắn, giúp BA có nhiều thời gian hơn để trích xuất các thông tin giá trị và nhận diện các xu hướng có thể bị bỏ sót. Công cụ phân tích dữ liệu do AI điều khiển thậm chí có thể giúp BA đưa ra các dự đoán chính xác hơn, tối ưu hóa quy trình ra quyết định và mang lại lợi thế cạnh tranh.
FPT, một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, đã sử dụng AI để tối ưu hóa quy trình sản xuất và quản lý tài chính. Trong lĩnh vực sản xuất, AI được sử dụng để giám sát và phân tích hiệu suất của máy móc và dây chuyền sản xuất. Hệ thống AI có thể dự đoán khi nào một máy móc có khả năng gặp sự cố, từ đó đưa ra các biện pháp bảo trì dự phòng, giảm thiểu thời gian chết và tăng hiệu quả sản xuất.
Trong quản lý tài chính, FPT sử dụng các mô hình AI để phân tích dữ liệu tài chính, dự báo các xu hướng chi tiêu và tối ưu hóa việc quản lý dòng tiền. Điều này giúp FPT cải thiện hiệu suất làm việc và tiết kiệm chi phí đáng kể.
AI tự động hóa nhiều bước trong quy trình phân tích dữ liệu kinh doanh
AI và ML có thể là đồng minh quý giá cho BA khi tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại và tốn thời gian. Chẳng hạn, nhiệm vụ thu thập và làm sạch dữ liệu, một quy trình truyền thống đòi hỏi nhiều công sức, có thể được tự động hóa bằng các công cụ do AI điều khiển. BA có thể tập trung vào việc phân tích dữ liệu đã được làm sạch thay vì mất thời gian cho các công việc nhàm chán này. Điều này không chỉ tăng năng suất mà còn giảm thiểu sai sót trong xử lý dữ liệu.
Công nghệ Xử Lý Ngôn Ngữ Tự Nhiên (NLP) là một lĩnh vực khác mà AI có thể hỗ trợ BA. NLP có thể được sử dụng để phân tích và trích xuất thông tin giá trị từ các nguồn dữ liệu không cấu trúc như phản hồi của khách hàng, mạng xã hội và báo cáo ngành. Tự động hóa phân tích văn bản này có thể giúp hiểu rõ hơn về cảm xúc của khách hàng và xu hướng thị trường.
Các thử thách từ AI với ngành phân tích kinh doanh
Mặc dù AI và ML mang lại nhiều lợi ích cho phân tích kinh doanh, chúng cũng đặt ra những vấn đề đạo đức cần phải xem xét kỹ lưỡng, bao gồm:
Vấn đề định kiến – phân biệt đối xử trong business analysis
Cụ thể, các thuật toán AI có thể vô tình tạo ra sự thiên vị trong phân tích dữ liệu, dẫn đến kết quả phân biệt đối xử hoặc không công bằng.
Ví dụ, nếu dữ liệu được sử dụng để AI phân tích có chứa những thành kiến về giới tính, chủng tộc hoặc độ tuổi, AI có thể học và tái tạo lại những thành kiến này. Điều này có thể dẫn đến các quyết định không công bằng, chẳng hạn như từ chối vay vốn ngân hàng dựa trên chủng tộc hoặc giới tính trong những lần phân tích sau.
Chúng ta, với vai trò là những nhà Phân Tích Kinh Doanh có tư duy phản biện, cần đảm bảo rằng dữ liệu được đưa vào hệ thống AI công bằng và không thiên vị. Điều này có nghĩa là phải kiểm tra dữ liệu đầu vào để đảm bảo nó phản ánh đầy đủ và công bằng tất cả các nhóm người hoặc tình huống mà mô hình AI sẽ gặp phải.
Ngoài ra, các thuật toán phải được kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng trước khi được triển khai. Điều này bao gồm việc thử nghiệm các thuật toán trên nhiều bộ dữ liệu khác nhau để phát hiện và khắc phục bất kỳ sự thiên vị nào có thể tồn tại.
Vấn đề bảo mật khi phân tích kinh doanh
Bảo mật cũng là một mối quan tâm lớn. BA thường xử lý các dữ liệu nhạy cảm và bảo mật của tổ chức, và các hệ thống AI phải tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt. Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo các ứng dụng AI tôn trọng quyền riêng tư và sự đồng ý của các cá nhân và công ty mà dữ liệu của họ đang được xử lý.
Tương lai của AI trong ngành phân tích kinh doanh
Hiện tại, tương lai của phân tích kinh doanh với AI và ML rất thú vị và đầy thách thức vì AI đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù khó có thể nắm chắc những tiến bộ nào sẽ xuất hiện trong tương lai, chúng ta có thể dự đoán một số xu hướng sau:
- AI giúp BA cải thiện độ chính xác trong của dự báo: BA sẽ có quyền truy cập vào các mô hình dự báo mạnh mẽ hơn, cho phép họ đưa ra các dự đoán chính xác hơn.
- AI thúc đẩy BA trở thành vị trí liên ngành: BA sẽ cần phát triển hiểu biết sâu rộng về AI và ML để làm việc hiệu quả với các công nghệ này, có thể dẫn đến một vai trò mang tính liên ngành hơn.
- BA sẽ đưa quyết định chính xác hơn nhờ AI: Hệ thống AI sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong việc cung cấp hỗ trợ quyết định theo thời gian thực cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, giúp BA đưa ra các lựa chọn quan trọng và đề xuất các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kinh doanh.
- Các vấn đề đạo đức và quy định về phân tích kinh doanh sẽ gắt gao hơn: Khi AI và ML được sử dụng ngày càng nhiều, các vấn đề đạo đức của việc sử dụng các công nghệ này sẽ trở nên quan trọng hơn, dẫn đến các quy định và tiêu chuẩn ngành nghiêm ngặt hơn.
- Xu hướng hợp tác người thật – AI ngày càng mạnh: BA sẽ làm việc cùng với các hệ thống AI, tận dụng sức mạnh của cả hai để đạt được kết quả tối ưu và tích hợp các công nghệ này vào các giải pháp sáng tạo và sáng kiến thay đổi của chúng ta.
Nhìn chung, AI và ML đang tái định hình vai trò của các nhà Phân Tích Kinh Doanh – cũng như nhiều ngành nghề khác. Với tiềm năng nâng cao các phương pháp truyền thống, tự động hóa các công việc, và giảm thiểu sai sót của con người, chúng ta có thể tận dụng sức mạnh của các công nghệ này để cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn và thúc đẩy quá trình ra quyết định hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đi kèm với sức mạnh lớn là trách nhiệm lớn, và BA phải luôn cảnh giác trong việc giải quyết các vấn đề đạo đức của AI trong công việc. Khi nhìn về tương lai, sự tích hợp của AI và ML vào phân tích kinh doanh chắc chắn sẽ mang tính chất cách mạng, đòi hỏi BA phải thích ứng, học hỏi và sáng tạo hơn nhiều.
Có thể bạn quan tâm:
- Vai trò của business analysis trong quản trị thay đổi
- Vai trò của phân tích dữ liệu trong ngành nông nghiệp
- Vai trò của phân tích kinh doanh trong ngành tài chính
- Học business analyst ở đâu