Theo báo cáo của Cisco & IDC, tại Việt Nam, chỉ mới 31% doanh nghiệp đang ở bước đầu của chuyển đổi số, 53% đang ở giai đoạn quan sát và chỉ 3% đã hoàn thiện cơ bản. Những con số này không khó để lý giải. Bởi lẽ chuyển đổi số là một hành trình dài hơi mà mỗi lĩnh vực, mỗi quy mô, đặc thù doanh nghiệp lại đi một lối riêng không có cơ sở để tham chiếu cụ thể.
Khi thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu góc nhìn tổng quát về việc khai phá tiềm năng công nghệ, và thiếu khả năng hiện thực hóa những tầm nhìn sao cho không giẫm chân vào lối mòn kinh nghiệm, người sẽ thấy thiếu mặn mà với chuyển đổi số, người lần lữa để rồi bỏ lỡ thời cơ.
Ngay cả những doanh nghiệp đã đang bước đầu “lần mò” trong chặng đua số, vào trận với một tâm thế “khởi nghiệp” – làm đến đâu sửa đến đó và sẵn sàng bắt đầu lại, đôi lúc cũng là một quyết định đầy may rủi. Chính vì thế, khi đã nghiêm túc dấn thân vào trận chiến số, các khóa học chuyển đối số hoặc đào tạo tư duy chuyển đối số chính là một trong những bước đầu không thể thiếu cho cả ban điều hành lẫn các nhà quản lý, đội ngũ triển khai.
Vậy học chuyển đổi số để làm gì? Học những gì và được lợi gì? Cùng SOM đi sâu tìm hiểu nhé!
Học để hiểu về bản chất của Chuyển đổi số
Muốn Chuyển đổi số thành công thì trước tiên phải hiểu chính xác chuyển đổi số là gì?
Để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào đa lĩnh vực của một doanh nghiệp. Quá trình này tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh; cũng như cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó và tăng tốc các hoạt động kinh doanh.
Tại Việt Nam, khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Các công nghệ nổi bật nhất của Chuyển đổi số hiện tại bao gồm dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI)…
Tuy nhiên công nghệ chỉ là một phần của câu chuyện. Yếu tố cốt lõi không phải là công nghệ mà là ứng dụng công nghệ để tạo ra sự chuyển đổi!
Đừng hiểu lầm Chuyển đổi số là “số hóa”
Cho rằng “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) cũng giống như “Số hóa” (Digitizing) là một sai lầm tai hại.
Để phân biệt hai khái niệm này, có thể hiểu rằng “Số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số. Ví dụ, doanh nghiệp chuyển đổi tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số…
Trong khi đó, “Chuyển đổi số” là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn.
Có thể xem “Số hóa” như một phần của quá trình “Chuyển đổi số”. Chuyển đổi số mang tính chất toàn diện và vững chắc từ gốc rễ doanh nghiệp. Chính vì thế, chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.
Tại sao những điều này lại quan trọng? Vì lãnh đạo phải hiểu chuyển đổi số thực chất quy mô và toàn diện như thế nào, từ đó mới chuẩn bị đủ ngân sách và nguồn lực cần để chuyển đổi. Nếu nhìn nhận chuyển đổi số một cách quá “truyền thống”, cứ ứng dụng khoa học công nghệ và mọi thứ là xong, thì rất dễ lâm vào cảnh “đẽo cày giữa đường”, đi mãi mà không tới nơi.
Đặc biệt chuyển đổi số còn là khái niệm tiến hóa theo thời gian và công nghệ. Kinh nghiệm và tư duy cũ, đôi lúc chính là yếu tố kìm kẹp tiềm năng của chuyển đổi số. Vai trò của những nhà quản lý, triển khai dự án là cần có một tư duy cấp tiến, đi cùng thời đại để sử dụng kinh nghiệm cá nhân bổ sung cho các thiếu sót của team triển khai, đồng thời hiểu được bản chất vấn đề để đưa ra các quyết định phi cảm tính!
Và ngay cả những nhân sự, đội ngũ triển khai, học hiểu nền tảng, hiểu mô thức hoạt động để linh hoạt đề xuất, ứng dụng thay vì thực hiện một cách máy móc, rập khuôn theo đối thủ hay tin theo tư vấn một phía của nhà cung cấp giải pháp cũng đặc biệt quan trọng. Bởi suy cho cùng chuyển đổi số là một quá trình vừa đốt tiền vừa tốn thời gian!
Vậy học chuyển đổi số là học gì?
Là học để hoàn thiện và đào tạo tư duy chuyển đổi số kịp thời
Rèn giũa tư duy về chuyển đổi số giúp các lãnh đạo nhìn nhận được thời điểm chuyển đổi để không bị đào thải, cũng như cơ hội chuyển đổi để tạo nền tảng để bứt phá so với các doanh nghiệp đối thủ.
Amazon là một ví dụ xuất sắc về cách công nghệ số đã tạo ra các kênh, mô hình và cơ hội bán hàng mới cho các doanh nghiệp khám phá và khai thác. Với sự trợ giúp của các công nghệ Amazon đã từ một cửa hàng sách trực tuyến trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới trong vòng 20 năm.
Với ví dụ về sự thay đổi chậm chạp làm sụp đổ doanh nghiệp, hãy nhìn vào mô hình kinh doanh của hãng Blockbuster – một hệ thống cho thuê phim.
Hãng này bị phá sản vì không kịp chuyển đổi số. Hiện nay, việc tìm thấy một máy tính có đầu đọc đĩa DVD cũng là điều khó khăn. Khách hàng chỉ xem phim trên máy tính, tivi thông minh và ứng dụng trên điện thoại di động của họ với dịch vụ cho thuê phim trực tuyến. Chỉ cần một tài khoản là bạn có thể đăng nhập xem bất kỳ bộ phim nào với rất nhiều nền tảng và thiết bị xem phim khác nhau.
Là học cách ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả
Khả năng ứng dụng nhanh chóng thể hiện việc, khi doanh nghiệp ra quyết định sử dụng một hệ thống công nghệ nào đó từ phần cứng đến phần mềm, hoặc sử dụng một mô hình mới sau quá trình thuê tư vấn, thì doanh nghiệp và đội ngũ của doanh nghiệp cần phải áp dụng được, ứng dụng được và nâng cao hiệu quả.
Thời gian ứng dụng cụ thể sẽ phụ thuộc vào tốc độ ứng dụng và khả năng thực hiện. Có thể với những hệ thống lớn, quá trình học hỏi mất khoảng 1 năm, nhưng quá trình thực hiện và ứng dụng thành công có thể mất 2-3 năm.
Quá trình này sẽ diễn ra theo cách: Thực hiện, thất bại, điều chỉnh, thực hiện lại, thử lại và dần dần trở nên tốt hơn. Thực tế, kể cả những hãng rất thành công trong quá trình chuyển đổi số hoặc những hãng đó trở thành biểu tượng cho những doanh nghiệp khác học hỏi thì vẫn có thể thất bại.
Hãng Microsoft đã không thành công với sản phẩm phần cứng điện thoại di động dù đã mua lại Nokia và hệ điều hành cho thiết bị di động. Hãng công nghệ Google vẫn thất bại với chính mạng xã hội Google Wave, thất bại đến hai lần, dù họ đã cố gắng cho ra mắt mạng xã hội mới là Google Plus.
Học chuyển đổi số là học để thay đổi mô hình ra quyết định
Bên cạnh các quyết định liên quan đến triển khai chuyển đổi số, đó còn là các quyết định mang tính thay đổi hệ thống, cách thức làm việc khi công nghệ ngày càng cho phép doanh nghiệp “nhìn thấy” ngày càng chi tiết hơn các điểm mù trong quá khứ. Càng khai thác được sức mạnh công nghệ, các quyết định ngày càng có cơ sở vững chắc hơn, đặc biệt là các quyết định mang tính chiến lược.
Các quyết định chiến lược từ xưa đến giờ đều mang tính rủi ro. Quyết định đúng thì thành công, mà quyết định sai thì thất bại. Các quyết định của ban lãnh đạo ngày nay không chỉ phụ thuộc vào cảm tính, sự sáng tạo và óc quyết đoán, mà còn phải dựa trên rất nhiều dữ liệu thống kê và số liệu phân tích; các bản báo cáo chỉ ra các xu hướng ngắn hạn, xu hướng dài hạn.
Các dữ liệu này không phải là không có, chỉ là chưa được khai thác hoặc sử dụng tối ưu. Nếu dữ liệu là vũ khí bí mật của một doanh nghiệp, hãy chắc rằng bạn nắm trong tay thứ vũ khí tối thượng đó!
→ 4 lợi ích của ứng dụng phân tích dữ liệu trong kinh doanh
Đào tạo tư duy chuyển đổi số để củng thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp
Công ty tư vấn Capgemini đã đánh giá “sức nặng” của văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số bằng một cuộc khảo sát đối với các giám đốc điều hành và nhân viên từ khắp nơi trên thế giới. 62% trong số những người được hỏi nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp là khó khăn chính mà các công ty gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.
Điều này là do văn hóa doanh nghiệp phản ánh tinh thần, cách suy nghĩ và hành động, mục tiêu phát triển của công ty. Do đó, với một sự thay đổi lớn như chuyển đổi số thì cần phải có một môi trường tích cực hướng tới đổi mới để bắt rễ và phát triển.
Nếu công tác chuyển đổi số gặp phải rào cản văn hóa doanh nghiệp thì bất kỳ một nỗ lực cải cách quy trình hay công nghệ nào cũng có ít cơ hội để thành công do không có được sự hưởng ứng và tham gia của các thành viên trong tổ chức.
Do đó, không chỉ là tư duy về công nghệ, tầm nhìn, chiến lược, số liệu,… khả năng xoa dịu nội bộ doanh nghiệp, xây dựng văn hóa mới khi chuyển đổi cũng là mấu chốt. Lãnh đạo cần thúc đẩy động lực chuyển đổi, giúp toàn bộ nhân viên các cấp xây dựng tư duy mở, sẵn sàng học hỏi và “chuyển đổi số”.
Tóm lại là, chuyển đổi có thể vẫn không thành công nếu chuyển đổi sai cách, nhưng nếu không chuyển đổi thì chắc chắn thất bại. Vậy nên, doanh nghiệp, tổ chức và cả những người khởi nghiệp kinh doanh đều cần phải chuẩn bị cho chuyển đổi số.
Vì vậy không sớm thì muộn, học chuyển đổi số sẽ là một trong những bước đệm không thể thiếu cho những nhân sự muốn thăng tiến, cấp quản lý chịu trách nhiệm chuyển đổi số và cả những nhà điều hành, ban lãnh đạo tham vọng muốn thay đổi hiện trạng.
Có thể bạn quan tâm:
- Khóa học chuyển đổi số cho nhà quản lý
- Gợi ý 6 bước chuyển đổi số cơ bản cho doanh nghiệp
- Lợi ích của Chuyển đổi số trong doanh nghiệp