Cũng như các doanh nghiệp lớn toàn cầu, những doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cũng nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của chiến lược phát triển bền vững ESG trong công cuộc chinh phục thị trường tương lai. Không ít doanh nghiệp đã bước đầu rục rịch lên kế hoạch và truyền thông để bắt kịp xu thế.
Tuy nhiên, từ tham vọng đến hành động để chinh phục được các tiêu chí ESG là một quá trình rất dài mà ngay cả chính các doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ. Điều này thể hiện rõ ra Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam 2022/2023 do PWC thực hiện.
Hãy cùng điểm qua những nội dung quan trọng nhất của báo cáo, bao gồm thực trạng, khó khăn, chiến lược trong việc thực hành ESG của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Thực trạng thực hành ESG của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam – Báo cáo ESG của PWC
Doanh nghiệp tư nhân đang là tiên phong trên hành trình thực hiện chiến lược ESG
Các doanh nghiệp tư nhân hiện đã thấy được tầm quan trọng của ESG và đã bắt đầu khởi động hành trình ESG. Tuy nhiên, về về tổng thể, ESG có lẽ là một vấn đề quá tầm. Điều này thể hiện qua mức độ các doanh nghiệp tại Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo theo đúng định hướng ESG.
Cụ thể, theo khảo sát của PWC:
- 29% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa cam kết ESG, chưa xác định cụ thể trong 2-4 năm tới;
- 35% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2-4 năm tới;
- 44% đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn thấy nhiều dấu hiệu khả quan trong lộ trình phát triển chiến lược ESG của các doanh nghiệp tư nhân. Điều này thể hiện ở nhận thức của thế hệ kế nghiệp (NextGen) trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp gia đình. Kết quả từ Báo cáo NextGen Việt Nam của PwC cho thấy mức độ nhận thức cao của họ về các vấn đề ESG.
- 68% tin rằng doanh nghiệp có trách nhiệm cùng hành động chống biến đổi khí hậu
- 77% Mong muốn tham gia vào việc giúp doanh nghiệp của mình chú trọng hơn vào các khoản đầu tư cho phát triển bền vững trong tương lai.
Động lực nào thúc đẩy phát triển ESG của doanh nghiệp tư nhân
Động lực chính thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong việc thực hành ESG là nhu cầu khách hàng, áp lực cạnh tranh, mong đợi từ nhà đầu tư và thu hút nhân tài. So với các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp tư nhân linh hoạt hơn trong việc báo cáo về tác động và hiệu quả thực hành ESG của mình.
Như vậy, thay vì tập trung vào việc tuân thủ quy định, các doanh nghiệp tư nhân có thể tập trung tìm hiểu các tác động của doanh nghiệp đến các bên liên quan, xác định các rủi ro và cơ hội tăng trưởng từ các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.
Khó khăn trong quá trình thực hiện ESG 2023 của doanh nghiệp Việt
Sự thiếu hụt lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân
Hiện trạng của lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy sự thiếu hụt về vai trò lãnh đạo ESG trong tổ chức:
- 34% cho biết hội đồng quản trị của họ không tham gia các vào vấn đề ESG (Việt Nam: 38%)
- 48% cho biết chưa có lãnh đạo ESG trong tổ chức của họ (Việt Nam: 38%)
- 53% cho biết chương trình ESG của họ được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải trách nhiệm duy nhất của họ. (Việt Nam: 41%)
Đây là lời kêu gọi cấp thiết dành cho chủ doanh nghiệp cần làm chủ câu chuyện ESG của mình, dẫn dắt các sáng kiến ESG và trở thành hình mẫu lãnh đạo trong việc xây dựng doanh nghiệp bền vững và trách nhiệm. Đồng thời cũng mở ra cơ hội dành cho các Giám đốc tài chính (CFO) đóng vai trò lớn hơn trong việc thực hành và lập báo cáo mục tiêu ESG.
Khó khăn trong vấn đề truyền thông – chia sẻ câu chuyện ESG đến cộng đồng
Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân đang dần tiến bộ trong hoạt động bền vững và theo kịp các doanh nghiệp niêm yết, đa số các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa thực hiện truyền thông ra công chúng một cách hiệu quả. Hiện trạng về quản trị và báo cáo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho thấy cần được cải thiện nhiều.
- 60% có cơ cấu quản trị ESG không chính thức hoặc không có cơ cấu quản trị ESG (Việt Nam: 51%)
- 29% xác định rõ các mục tiêu và số liệu ESG (Việt Nam: 47%)
- 82% không có hoặc hạn chế báo cáo các vấn đề ESG ra bên ngoài (Việt Nam: 70%)
Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình, cần ưu tiên báo cáo ESG. Đây là cơ hội để thể hiện giá trị cốt lõi và thành tựu đạt được, giúp họ tạo ấn tượng các bên liên quan. Báo cáo ESG có thể phức tạp, nhưng doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ bằng việc tập trung vào các vấn đề ESG chính liên quan trực tiếp đến ngành nghề và các bên liên quan.
Thiếu kiến thức để thực hiện chiến lược ESG
Khi hỏi về những yếu tố ngăn cản doanh nghiệp tư nhân cam kết ESG, 60% đề cập đến việc thiếu kiến thức. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực vẫn chưa là ưu tiên hàng đầu của các công ty khi hơn một nửa vẫn chưa nhận thức được vai trò của việc đào tạo về ESG.
Các doanh nghiệp tư nhân có thể xem nâng cao năng lực như một cách truyền tải các mục tiêu ESG để xây dựng niềm tin và sự minh bạch; gắn kết nhân viên với các chiến lược của doanh nghiệp. Ngoài ra, nâng cao năng lực có thể giúp nhân viên đóng góp vào các mục tiêu ESG và tận dụng các kỹ năng đa ngành, kết hợp kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để thúc đẩy tiến bộ hướng tới kết quả ESG.
Mặc dù yêu cầu ESG có tác động kinh tế rõ ràng, nhưng quá trình chuyển đổi doanh nghiệp đang diễn ra chậm chạp do các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn báo cáo và sự phức tạp về quy định. Mức độ xem xét về việc phổ cập kiến thức ESG của các doanh nghiệp vẫn còn chưa cao, thể hiện qua biểu đồ sau:
→ Có thể bạn quan tâm: Khóa học phát triển chiến lược phát triển bền vững ESG cho cấp quản lý
Trọng điểm trong chiến lược ESG 2023 cho doanh nghiệp tư nhân
Theo báo cáo của PWC, điều quan trọng nhất trong chiến lược phát triển ESG của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chính là tầm nhìn dài hạn.
Việt Nam đang đối mặt với bối cảnh kinh tế đầy biến động trong hiện tại. Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai. Điều này đòi hỏi một chiến lược cân bằng giữa cả lợi ích hiện tại lẫn tác động dài hạn trong tương lai. Đã đến lúc các doanh nghiệp tư nhân hành động để thay đổi – thay vì chỉ dừng lại ở ‘ý định tốt’ nhằm tạo ra một kế hoạch thực tế và đạt được kết quả hữu hình.
Để thực hiện điều này, có những nhiệm vụ trọng điểm như sau:
1- Đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao kiến thức ESG nội bộ
- Truyền tải mục tiêu ESG trong nội bộ để xây dựng niềm tin
- Tạo điều kiện cho nhân viên đóng góp vào mục tiêu ESG
- Tạo cơ hội cho nhân viên nâng cao kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng mềm về ESG
2 – Xây dựng chiến lược phát triển cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
- Xác định chiến lược ESG rõ ràng và thuyết phục
- Vạch rõ các KPI ngắn hạn và những tiêu chí để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư
Tránh các chi phí đáng kể nếu bỏ qua các sáng kiến ESG.
3- Đẩy mạnh vai trò của lãnh đạo
- Chủ doanh nghiệp phải làm chủ câu chuyện ESG
- Giám đốc tài chính (CFO) cần tham gia dẫn dắt từ chiến lược ESG đến báo cáo
4- Truyền tải câu chuyện của doanh nghiệp đến cộng đồng hiệu quả
- Ưu tiêu thực hiện báo cáo ESG
- Thực hiện các hoạt động truyền thông đa kênh về những giá trị doanh nghiệp đang xây dựng
- Tập trung truyền tải từ các vấn đề ESG chính liên quan trực tiếp đến ngành nghề của doanh nghiệp đến những vấn đề liên quan lớn hơn
→ Tham khảo thêm: 4 mô hình chiến lược ESG cho doanh nghiệp theo đuổi định hướng phát triển bền vững
Trên đây là thực trạng chung về mức độ thực hiện chiến lược phát triển bền vững ESG trong doanh nghiệp. Có thể thấy lãnh đạo doanh nghiệp còn rất nhiều điều để lưu tâm, đặc biệt là khi mỗi “gạch đầu dòng” trong bài đều cần cả một quá trình hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để thực hiện.
Vì thế, đừng vội vàng đâm lao, hãy cứ từ từ trau dồi kiến thức, tham khảo chuyên gia, nghiên cứu case study và quan sát tình hình thị trường để có thể đi chậm mà chắc nhất bạn nhé!