Database design là gì? Tại sao nói database design là quá trình quan trọng, cần thực hiện nếu muốn quản lý dữ liệu hiệu quả? Hãy cùng trường quản lý SOM-AIT tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Database design là gì?
1. Khái niệm Database design
Database design hay thiết kế cơ sở dữ liệu là quá trình chọn lọc, phân nhóm và tổ chức dữ liệu trên hệ thống. Công việc chính của quá trình này là chọn lọc dữ liệu nào sẽ được lưu trữ và quyết định tính tương quan giữa chúng. Nhờ database design, hệ thống sẽ dễ dàng đọc, hiểu, quản lý, truy xuất thông tin thông suốt và tiết kiệm chi phí lưu trữ.
Ví dụ doanh nghiệp cần quản lý thông tin khách hàng đã mua sản phẩm A và thiết kế dữ liệu chia ra thành 2 nhóm- khách hàng online và offline.
Tính tương quan trong mỗi nhóm dữ liệu là kênh mua hàng và chỉ những thông tin về sản phẩm A mới được lưu trữ tại đây. Sau mỗi đợt bán hàng, doanh nghiệp nhanh chóng tra cứu được hành vi khách hàng, doanh thu và thông tin liên quan khác. Thông qua đó, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng kế hoạch phù hợp để tăng doanh thu cho sản phẩm này.
2. Lợi ích của database design
Quá trình thực hiện database design khiến dữ liệu được sắp xếp gọn gàng, đưa những thông tin hữu ích ẩn xuất hiện. Ngoài ra, khi bức tranh dữ liệu được cấu trúc chặt chẽ, trực quan còn mang đến những lợi ích như:
- Tiết kiệm thời gian và nguồn lực khi cần tra cứu hoặc trích xuất dữ liệu.
- Hệ thống dễ bảo trì, cập nhật. Mỗi nhóm dữ liệu đều có vị trí cố định và liên kết chặt chẽ với nhau. Thế nên khi có thêm dữ kiện mới hoặc sửa lỗi, các nhóm trong chuỗi liên kết cũng tự động điều chỉnh theo.
- Các bên liên quan có thể hiểu, vận dụng tốt dữ liệu. Database design đủ tốt sẽ giúp cho cả những người không có chuyên môn hiểu được ý nghĩa của dữ liệu và ứng dụng vào công việc khác nhau. Thế nên, thiết kế cơ sở dữ liệu còn được gọi là phương tiện giao tiếp giữa phòng/ban kỹ thuật và các phòng/ban khác trong doanh nghiệp, tổ chức.
3. Thế nào là database design đủ tốt?
Quá trình thực hiện database design có 2 nguyên tắc rất quan trọng. Thứ nhất là cần đảm bảo không có thông tin dư thừa, hạn chế sự cồng kềnh của hệ thống và giảm không gian lưu trữ cần thiết. Nguyên tắc tiếp theo là tính chính xác và sự liên kết của dữ liệu. Vì thông tin sai thì báo cáo sẽ sai, dữ liệu khi này không còn ý nghĩa mà còn dẫn đến những quyết định sai lầm.
Để đảm bảo tính hiệu quả và thỏa mãn 2 nguyên tắc trên, khi thực hiện database design cần:
- Dựa vào đặc điểm để chia thành các bảng: Dữ liệu được phân loại càng chi tiết càng dễ thấy được mối quan hệ giữa chúng. Từ đó, bước tổ chức dữ liệu sẽ dễ dàng và tiết kiệm được nhiều thời gian.
- Cung cấp đầy đủ các dữ kiện về tính liên kết của dữ liệu: Database design cần phải có thông tin về đặc điểm, điểm tương đồng, mối quan hệ trong cùng một nhóm và giữa các nhóm dữ liệu. Tuy nhiên, thông tin chỉ nên dừng ở mức vừa đủ, đáp ứng cho hệ thống trả ra kết quả theo đúng mục tiêu. Vì với quá nhiều thông tin, hệ thống sẽ “lạc lối” và kết quả trả ra sẽ lang mang.
- Rà soát tính chính xác và độ tin cậy của dữ liệu: Dữ liệu được chọn phải là dữ liệu thực tế hoặc đến từ nguồn chất lượng, đáng tin. Kết quả trả ra sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu bước xác minh tính chân thực của dữ liệu.
Vậy, database design cần trải qua những bước cụ thể nào để đảm bảo 2 nguyên tắc trên?
Các bước thực hiện database design
Tổng quan mỗi chu trình thực hiện database design sẽ trải qua 3 bước chính, gồm: phân tích yêu cầu, thiết kế cơ sở dữ liệu và triển khai. Chu trình này có thể tăng thêm nhiều bước chi tiết hơn hoặc tùy theo mức độ phức tạp của dữ liệu và yêu cầu sử dụng. Song, 3 bước dưới đây là cần thiết nhất và cần thực hiện ngay cả trong trường hợp dữ liệu đơn giản.
Bước 1. Phân tích yêu cầu
Trong database design chia ra 2 nhóm đối tượng là: người thực hiện (database designer) và người sử dụng (database users). Database designer phải tổng hợp và lập kế hoạch triển khai sao cho đáp ứng được tất cả mong đợi, yêu cầu và mục đích sử dụng của database users. Kế hoạch này phải thể hiện được rõ ràng các bước tổng hợp, chọn lọc, cách cấu trúc dữ liệu và ước tính kết quả trả ra.
Sau đó, người thực hiện thiết kế dữ liệu cần xác nhận và thống nhất với người sử dụng về kế hoạch trên. Ở bước này, phạm vi triển khai, giới hạn, thông số kỹ thuật và những lưu ý cần được làm rõ. Thông báo những giới hạn, lưu ý từ đầu sẽ giúp người sử dụng không mong đợi vượt quá khả năng và giúp người thực hiện thiết kế cơ sở dữ liệu trả ra kết quả thỏa đáng.
Bước 2. Thiết kế cơ sở dữ liệu
Đây được xem là bước quan trọng nhất của thiết kế cơ sở dữ liệu. Mục tiêu chính của bước này là tạo ra thiết kế logic của dữ liệu (logical design) và thiết kế vật lý của dữ liệu (physical design) theo mô hình cơ sở dữ liệu. Thiết kế logic là cách các dữ liệu kết nối với nhau, có thể hiểu là sơ đồ vận hành của các nhóm dữ liệu nhằm trả ra kết quả theo yêu cầu. Còn thiết kế vật lý là cách các dữ liệu ở sơ đồ trên được lưu trữ cụ thể ở phần cứng nào và các chi tiết của dữ liệu sẽ được sắp đặt ra sao.
Thiết kế logic giống như sơ đồ tổng của 1 căn nhà, giải quyết đúng mong muốn sử dụng của gia chủ. Trong khi, thiết kế vật lý là bản vẽ chi tiết các phòng chức năng và vị trí của mỗi vật dụng trong phòng.
Bước 3. Triển khai
Ở bước triển khai thì dữ liệu sẽ chính thức được chuyển đổi, tải từ hệ thống cũ sang cơ sở dữ liệu mới theo định hướng của logical design và physical design. Lúc này, các database designer sẽ giám sát dữ liệu tuần tự được trả về các nhóm, đảm bảo tính kết nối theo sơ đồ đã vạch ra.
Cuối cùng, các database designer sẽ kiểm tra lại bức tranh toàn cảnh của hệ thống cơ sở dữ liệu mới được hoàn thiện. Các lỗi sẽ được xác định, điều chỉnh và đảm bảo các thông số có đủ.
Lời kết
Database design trước đây thường là sân chơi của những chuyên gia phân tích dữ liệu có gốc IT hoặc một đội kết hợp giữa IT và các chuyên viên phân tích dữ liệu, hợp tác với nhau để xây dựng hệ thống. Tuy nhiên ngày nay cùng với sự phát triển của nhiều ứng dụng, phần mềm với khả năng tích hợp cao, đấu nối nhanh, nếu vai trò dữ liệu không mang tính bảo mật cao, đôi lúc chỉ cần 1 data analyst có khả năng đấu nối phần mềm là được.
Nói các khác trong tương lai, những yêu cầu về năng lực IT sẽ ngày càng “đơn giản hóa”, thay vào đó các chuyên gia phân tích dữ liệu cần phát triển mạnh hơn về khả năng phân tích và có kiến thức tổng quan về các ngôn ngữ lập trình cơ bản như Python, SQL để có thể tùy biến khi cần.
Trường quản lý SOM-AIT mong rằng những thông tin trên đã đủ giải đáp những thắc mắc của bạn về database design.
Dưới đây là một số nội dung hữu ích khác mà có thể bạn quan tâm: