Digital Marketing hay marketing kỹ thuật số là gì, áp dụng như nào vào doanh nghiệp để mang tới hiệu quả tối ưu. Cùng SOM điểm qua những khái niệm cơ bản và các lưu ý khi triển khai để khai thác tối đa sức mạnh các kênh quảng cáo trong thời đại 4.0 nhé!
Marketing kỹ thuật số là gì? Hiểu sao cho đúng?
Có nhiều nguồn thông tin với nhiều định nghĩa từ ngắn gọn đến dài dòng về Digital Marketing. Để không bị rối và nắm rõ nhất bản chất của thuật ngữ này, hãy bắt đầu phân tách ý nghĩa 2 từ Digital và Marketing ra. Cụ thể:
- Digital (kỹ thuật số): chỉ tất cả những công cụ, thiết bị, ứng dụng liên quan đến điện tử, gồm TV, điện thoại, laptop, tablet, smartwatch, email, website,…
- Marketing: Hành động quảng cáo tiếp thị
Tổng hợp lại, Digital marketing là hình thức quảng cáo tiếp thị thông qua các các thiết bị, công cụ điện tử kỹ, thuật số.
Điều đáng lưu ý là các thiết bị kỹ thuật số này có thể kết nối mạng hoặc không – chẳng hạn như các hình thức quảng cáo digital OOH, màn hình led thang máy… Đặc biệt bước sang thời đại 4.0, internet vạn vật khi ngày càng có nhiều trang thiết bị có thể ‘hóa thân’ thành kênh quảng cáo, Digital Marketing đang trở thành hình thức tiếp thị mạnh hơn bao giờ hết, bao trùm cả online và offline.
Để dễ hiểu, bạn thấy quảng cáo trên facebook (ứng dụng sử dụng internet), đó chính là digital marketing, quảng cáo trên các biển hiệu điện tử ngoài trời chính là digital marketing, quảng cáo trên TV (không sử dụng internet) cũng chính là digital marketing.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh, các phương thức digital marketing kết hợp internet đang và sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn. Lý do là khi được triển khai trên các ứng dụng sử dụng internet, Digital Marketing trở nên vượt trội hơn trong việc gia tăng doanh số bởi các khả năng như:
- Phân tích các chiến dịch tiếp thị theo thời gian thực và thực hiện các bước tối ưu, điều chỉnh cần thiết.
- Tiếp cận khách hàng theo hướng cá nhân hóa, nhắm sát mục tiêu, giúp 80% ngân sách tập trung vào 20% nhóm đối tượng tiềm năng nhất.
- Dễ dàng tạo ra các tương tác 2 chiều với quy mô lớn, điều các hình thức quảng cáo phi internet rất khó thực hiện.
Vì sao Digital Marketing là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh?
Hiếm có doanh nghiệp nào có thể xây dựng tên tuổi trên thị trường hiện tại nếu không ứng dụng các hình thức marketing nói chung và marketing kỹ thuật số nói riêng. Dù digital marketing không hẳn là lời giải vạn năng cho các bài toán tăng trưởng, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích dưới đây. Nếu có thể ứng dụng và triển khai hiệu quả, doanh nghiệp sẽ đạt được những kết quả đột phá chỉ với một phần ngân sách bỏ ra!
5 lợi ích không thể bỏ qua của marketing kỹ thuật số:
1. Tập trung nguồn lực, tiếp cận đúng đối tượng tiềm năng
Digital Marketing sẽ giúp các chiến dịch nhắm trúng và tiếp cận đối tượng phù hợp nhất với chân dung khách hàng mục tiêu. Thông qua việc thu hẹp các tiêu chí như nhân khẩu học (như giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, địa chỉ vùng miền…), thói quen mua sắm, sở thích và hành vi doanh nghiệp có thể tránh những khoản hao hụt hàng trăm triệu đến vài tỷ từ việc ‘bắn tên không đích’ thông qua các hình thức marketing truyền thống.
2. Xây dựng chiến lược với các dữ liệu và phân tích có giá trị
Với Digital Marketing, doanh nghiệp sẽ có thông tin chính xác về số lượng những người đã xem trang web và các kênh truyền thông của doanh nghiệp theo thời gian thực. Các trình quản lý của trang sẽ thể hiện:
- Dấu chân của họ trên môi trường số – các hành vi, tương tác, thói quen của họ trước khi đi đến quyết định mua hàng
- Các yếu tố kích thích khả năng mua hàng hoặc rời bỏ thương hiệu
- Thông tin đối tượng mục tiêu – đâu là những đối tượng chính, phụ thông qua phân tích tuổi tác, nghề nghiệp, tình trạng gia đình, giới tính…
- Hoặc các chỉ số như tần suất mua sắm trên trang, tần suất quay lại của mỗi cá nhân trước khi đi đến mua hàng
- Thói quen mua hàng của các nhóm đối tượng – kênh nào chính, kênh nào phụ; mua giá trị thấp số lượng lớn hay mua số lượng ít giá trị cao.
- Vân vân
Bằng cách hiển thị bảng phân tích tất cả thông tin lưu lượng truy cập này, chủ doanh nghiệp sẽ biết nên ưu tiên các kênh tiếp thị nào. Việc phân tích dữ liệu thời gian thực khiến nhà quản lý hiểu rõ hơn về hiệu quả của các chiến thuật tiếp thị và tối ưu ngân sách.
Với Digital Marketing, quản lý marketing có thể thu thập ngày càng nhiều thông tin về khách hàng tiềm năng. Kết hợp việc ứng dụng big data và phân tích dữ liệu kinh doanh vào marketing, doanh nghiệp có thể tối thiểu hóa chi phí bỏ ra nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng đều đặn trong doanh thu hàng tháng.
3. Đo lường và tối ưu chất lượng nội dung
Thông qua Digital Marketing, doanh nghiệp có thể đo chính xác có bao nhiêu người đã xem nội dung tiếp thị của mình. Thống kê tương tác của khách hàng sẽ thể hiện độ hiệu quả và những điểm cần điều chỉnh ở thông điệp, chiến lược tiếp cận. Đôi lúc đây cũng là nền tảng để nhân rộng những chiến dịch, thông điệp mang lại hiệu quả cao thay vì đưa ra các quyết định dựa trên cảm tính!
4. Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và tối ưu chi phí
Digital Marketing cho phép doanh nghiệp hiểu được độ yêu thích của từng khách hàng cụ thể thông qua tương tác với các mẫu quảng cáo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nắm rõ những ai là khách hàng hiện có, khách hàng tiềm năng và có thể tiếp cận với họ bất cứ lúc nào. Từ đó, doanh nghiệp triển khai những bước tiếp cận tiếp theo để dần chinh phục khách hàng và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Thay vì cứ đổ tiền đi bài trên báo hay phát tờ rơi, làm biển quảng cáo nguyên ngày, Digital Marketing cho phép doanh nghiệp chạy các chiến dịch với chi phí thấp hơn. Doanh nghiệp lựa chọn những khung giờ, địa điểm và khách hàng cụ thể để tránh ném tiền qua cửa sổ.
5. Cơ hội để nắm rõ hơn về đối thủ cạnh tranh
Rất khó để các doanh nghiệp nhỏ cạnh tranh với công ty lớn do ngân sách và nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, với Digital marketing, tất cả là 1 sân chơi công bằng. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ cũng có thể thực hiện các chiến thuật tiếp thị hiệu quả và giá cả phải chăng để dần thu hút người dùng.
Sử dụng các công cụ của Digital Marketing, người phụ trách Marketing có thể phân tích nhiều thông tin về đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cũng có thể học hỏi cách những đơn vị tiêu biểu hay cách đối thủ đầu ngành đang triển khai và biến đó thành ‘lợi thế của người đi sau’.
Những năng lực cần có để biến Marketing kỹ thuật số thành điểm tựa cạnh tranh
Cần rất nhiều yếu tố để trở thành chuyên gia một mảng nghề bất kỳ, Digital marketing cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, trước hết, một chuyên gia trong lĩnh vực này cần có các phẩm chất sau:
Kỹ năng phân tích dữ liệu
Digital Marketing thực chất chính là làm Marketing trên nền tảng dữ liệu. Dù là nội dung gì, hình ảnh sao, thời gian hiển thị thế nào, ngân sách bao nhiêu, tệp khách hàng ra sao,… tất cả đều được quyết định qua quá trình thống kê và phân tích dữ liệu. Một chiến dịch Marketing không được xây dựng trên những đúc kết chính xác từ quá trình đọc dữ liệu có thể coi là vô dụng và lãng phí ngân sách.
→ Tại sao business analytics là kỹ năng quan trọng trong doanh nghiệp
Khả năng xác định thông điệp và chiến lược nội dung
Trước khi nghĩ tới việc nói bằng cách nào, phải quyết định nên nói cái gì. Những thứ thương hiệu muốn nói chính là nội dung (Content). Có hàng trăm tiếng nói trên mạng xã hội, liệu doanh nghiệp có đang nói đúng điều khách hàng cần nghe? Do đó, việc hiểu rõ các khía cạnh của content, đọc vị được khách hàng để đúc kết ra một thông điệp hấp dẫn là yếu tố then chốt trong digital marketing.
Khả năng xây dựng và đánh giá nội dung hình ảnh
Tư duy thiết kế (Design thinking) quan trọng để đảm bảo truyền được thông điệp đến khách hàng. Quy luật màu sắc, thói quen quan sát và nhìn nhận thông tin, hiệu ứng tâm lý kèm theo,… là điều cần phải nắm rõ.
Thu hút được sự chú ý của người dùng online chưa bao giờ là dễ. Những loại nội dung hình ảnh, đặc biệt là video sẽ có hiệu quả hơn khi các thống kê trên Google cho thấy video giúp tăng lượng tương tác và tạo xếp hạng cao hơn. Do vậy, dù là quản lý hay chuyên viên cũng đều cần nắm các quy luật cơ bản nhất trong việc quay, dựng video.
Liên tục cập nhật kiến thức về công nghệ
Làm marketing trên nền tảng công nghệ thì không thể nào “mù công nghệ”. Vì vậy, trước khi số hoá quá trình marketing của doanh nghiệp, hãy đảm bảo cả quản lý lẫn nhân viên đều là những người nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng công nghệ vào công việc dễ dàng.
Marketing nói chung và digital marketing nói riêng đang ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại mới. Đây gần như đã thành quy chuẩn cho hầu hết doanh nghiệp ở mọi quy mô. Nếu doanh nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc chơi, chưa phát triển đội nhóm hoặc thiếu sự đầu tư đúng mực, đây sẽ là bất lợi lớn trong sức bật đường dài!