Được bổ nhiệm thành Giám đốc điều hành (CEO) ngay trong doanh nghiệp hiện tại thì sẽ có khá nhiều ưu thế đấy, nhưng thử thách kèm theo cũng không ít. Bên cạnh sự thành thạo về văn hóa và vấn đề của doanh nghiệp, CEO cũng sẽ đối mặt với không ít “tàn dư” từ vị trí cũ, bao gồm cả lề lối làm việc, mối quan hệ và những mâu thuẫn ngầm.
Ở bài viết này, hãy đào sâu những vấn đề mà một CEO mới được đề bạt sẽ phải đối mặt, từ đó chuẩn bị cho những phương án hợp lý nhất!
1. CEO “tân binh” cần “thoát vai” khỏi vị trí cũ
Các CEO được bổ nhiệm ngay trong công ty cần cố gắng vượt qua “bóng tối” của quá khứ và thiết lập hình ảnh mới trong vai trò CEO. Tân CEO cần ý thức được rằng ở vai trò lãnh đạo mới, trách nhiệm, cách thức giao tiếp và mục tiêu làm việc của mình cũng phải thay đổi khá nhiều.
Để vượt qua thách thức này, những CEO mới cần phải trải qua một sự chuyển đổi tinh thần và tách rời khỏi các trách nhiệm trước đó. Điều này bao gồm việc chấp nhận những tư duy và ưu tiên khác nhau, như tập trung vào kế hoạch chiến lược và tăng trưởng thay vì các hoạt động hàng ngày.
Ngoài ra, các lãnh đạo mới cần phải thể hiện cam kết của mình đối với toàn bộ tổ chức, không chỉ là lĩnh vực chuyên môn trước đó của họ.
→ Tìm hiểu ngay Làm CEO là làm gì?
2. Tròn vai nhiệm vụ của giám đốc điều hành – Bản lĩnh trước những tình huống “mất lòng”
Sớm thôi sau khi đảm nhận vị trí mới, các tân CEO sẽ thấy rằng họ sẽ cần đưa ra những quyết định làm thất vọng một số người đã ủng hộ cho việc thăng chức của họ, và có lẽ mong đợi được hưởng lợi từ việc bổ nhiệm này.
Chẳng hạn, bạn là một CEO mới lên nhờ sự ủng hộ bởi nhiều thành viên trong ban giám đốc và ban quản lý trong quá trình chuyển giao. Nhưng chỉ sau vài ngày, bạn đã vướng vào những tranh biện với các nhân vật này vì tầm nhìn của bạn cho công ty trong những năm tới không khớp với tầm nhìn của họ.
Tất nhiên, CEO không thể đại diện cho một lợi ích của một hội nhóm nhỏ hay ưu tiên các mối quan hệ thân thiết hơn. Một CEO tốt cần phát triển mối quan hệ mật thiết với tất cả nhà quản lý, những chuyên gia, những “cây đa cây đề” đáng tin cậy từ mọi phòng ban khác.
Hãy tôn trọng, thảo luận quan điểm của mọi người để tìm ra chiến lược phù hợp và được ủng hộ bởi đa số. Trong mọi trường hợp, quyết định có lợi nhất cho tổ chức vẫn là quyết định cuối cùng.
Về phía những mối quan hệ thân tình trước đó, dĩ nhiên bạn sẽ rơi vào một tình huống rất nhạy cảm. Đây là lúc bản lĩnh của một CEO cần được phơi bày. Bạn cần tư duy phản biện, kiến thức chuyên môn, và tất nhiên là kỹ năng thuyết phục Win – Win khéo léo để tránh khỏi tai tiếng “qua cầu rút ván” hoặc đánh mất sự ủng hộ quan trọng.
3. CEO mới cần quyết đoán với những mâu thuẫn công việc trước đó
Trong hầu hết các trường hợp, các CEO thăng tiến từ nội bộ đều phải dẫn dắt những người trước đây từng là đồng nghiệp của họ, hoặc thậm chí là cấp trên của họ. Lý tưởng thì tất cả sẽ vui vẻ ủng hộ lãnh đạo mới 100%, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Những nhà lãnh đạo mới có thể phải đối mặt với những đối thủ đã từng tham gia cuộc đua giành chức CEO, hoặc các quản lý và đồng nghiệp mà họ đã từng “va chạm” trong quá khứ.
Giám đốc điều hành cần nhanh chóng đánh giá lại mối quan hệ và khả năng làm việc chung với những người này, từ đó xây dựng đội ngũ mới nếu cần thiết. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, vì CEO phải trao đổi trực tiếp với những người này để hiểu rõ mức độ thỏa hiệp của họ, từ đó chỉ định vị trí mới hoặc thay thế nhân sự để đảm bảo lợi ích công việc.
4. Giám đốc điều hành cần làm chủ những mong muốn “cải cách” đột ngột, phi thực tế
Những CEO được bổ nhiệm từ nội bộ – sau nhiều năm làm việc và quan sát tổ chức – thường có một danh sách dài những điều muốn làm. Việc được tin tưởng để giao trọng trách lớn cũng là một liều thuốc kích thích tinh thần làm việc – cống hiến – thay đổi mạnh mẽ. Đây là lúc các CEO ráo riết thực hiện các kế hoạch và chiến lược mình đã luôn ấp ủ.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành cần chậm lại để suy xét về các ưu tiên và khung thời gian trước khi hành động. Tại sao? Bởi vì doanh nghiệp có thể chưa sẵn sàng cho mức độ thay đổi mà lãnh đạo mới muốn thúc đẩy. Sẽ có những rủi ro, những mệt mỏi, chống đối, và thất bại xảy ra do sự cố gắng thay đổi quá đột ngột.
Những nhà quản trị thành công là người cần quan sát được bản thân từ góc nhìn khách quan, đánh giá tiềm lực của tổ chức, từ đó thiết lập sự cân bằng giữa những thay đổi tức thời và kế hoạch dài hạn. Đây cũng là điều cần thiết để tránh gây quá nhiều áp lực cho cá nhân và tài nguyên doanh nghiệp bởi những ước muốn phi thực tế.
5. Quản lý tàn dư của CEO cũ – nhiệm vụ CEO nội bộ cần lưu tâm
Quản lý tàn dư công việc của một CEO sắp rời bỏ công ty là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, ngay cả khi CEO đó rời đi trong hoàn cảnh tích cực. Thậm chí, nếu có sự “chồng chéo” giữa công việc của một giám đốc sắp ra đi và người kế nhiệm (CEO mới dần nắm quyền trong khi CEO cũ dần bàn giao và chưa rời công ty), những thách thức này càng trở nên đáng kể.
Việc có nhiều giám đốc trong cùng một phòng dễ gây ra mâu thuẫn về việc ai là người đứng đầu. Nhưng điều này không có nghĩa là không thể có sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo ra đi và những người kế nhiệm. Điều quan trọng là các CEO phải xử lý quá trình này cẩn thận.
Những CEO nội bộ phải dành nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng việc ra đi của người tiền nhiệm diễn ra một cách êm thấm, đặc biệt là khi người ra đi gặp khó khăn trong việc buông bỏ quyền lực. Tân CEO cần phải xử lý dứt điểm những dự án đang dang dở một cách khéo léo, trước là để công ty vận hành suôn sẻ, sau là để duy trì mối quan hệ với CEO tiền nhiệm cũng như hình ảnh công ty.
Đảm bảo sự trơn tru trong quá trình chuyển giao quyền lực không chỉ giúp duy trì sự ổn định trong tổ chức mà còn tạo ra một bước khởi đầu tích cực cho CEO mới. Quản lý tốt sự chồng chéo giữa hai nhà lãnh đạo có thể giúp tăng cường niềm tin từ nhân viên rằng công ty tiếp tục hoạt động hiệu quả trong thời gian chuyển giao.
Nhìn chung, luôn có những vấn đề phải giải quyết khi đảm nhận vị trí mới ở doanh nghiệp. Đối với một cấp bậc quan trọng như CEO, những thử thách này lại càng nặng nề và đòi hỏi bản lĩnh cũng như sự chuẩn bị kỹ càng.
Để làm tốt vai trò CEO trong tương lai, hãy cố gắng quan sát và rèn luyện giải cách quyết tình huống. Đồng thời, bạn có thể tham gia các hội thảo, các buổi tập huấn, hoặc khóa học về quản trị cấp cao để trau dồi kỹ năng cũng như học hỏi từ các lãnh đạo thâm niên. Những trải nghiệm của họ có thể là những bài học quý giá cho các CEO tương lai đấy!
→ Tìm hiểu ngay Chương trình EMBA cho quản lý cấp cao từ trường đào tạo CEO hàng đầu châu Á