Với ý thức về việc phát triển bền vững ngày càng gia tăng, ESG hiện dần trở nên quan trọng hơn trong doanh nghiệp. Việc triển khai chiến lược ESG không chỉ cần thiết trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mà còn là một yếu tố quan trọng để gia tăng doanh thu, cải thiện hiệu suất và rất nhiều khía cạnh khác của doanh nghiệp.
Vậy ESG mang lại những lợi ích gì cho doanh nghiệp? Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn những góc nhìn tổng quan nhất.
Cụ thể, có 5 lợi ích chính mà các công ty ở mọi quy mô, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được khi bắt đầu triển khai ESG:
- Tăng lợi thế cạnh tranh
- Giảm chi phí
- Hấp dẫn hơn đối với người cho vay và nhà đầu tư
- Tạo triển vọng chuỗi cung ứng
- Thu hút và giữ chân nhân tài
1. Chiến lược ESG mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Việc thực hiện chỉ số ESG khả năng cao sẽ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu, tăng tính cạnh tranh với đối thủ và thậm chí thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
Về phía người tiêu dùng, nhiều khách hàng ngày nay ngày càng nhận thức rõ hơn về việc chi tiêu “có đạo đức”. Họ cũng quan tâm nhiều hơn đến những gì một công ty làm để hỗ trợ tính bền vững và không ngại chi “nhiều hơn một chút” cho các sản phẩm bảo vệ môi trường.
Vì vậy, các công ty vừa và nhỏ có thể thu hút và giữ chân nhiều khách hàng hơn bằng cách thực hiện các chiến lược ESG.
Về phía đối thủ, theo Phil Molé, Chuyên gia EHS và Bền vững ESG trở thành một mấu chốt cạnh tranh chiến lược cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước đây, dữ liệu ESG khó theo dõi và nhất quán hơn và cần thêm tài nguyên. Ngày nay, việc quản lý dữ liệu ESG trở nên đơn giản hơn với các chương trình phần mềm cho phép khả năng hợp nhất thông tin như theo dõi phát thải khí nhà kính (GHG), dữ liệu năng lượng, đồng bộ hóa dữ liệu tiện ích, quản lý chất thải, v.v.
Những ứng dụng này có quy mô và công năng phù hợp với các công ty vừa và nhỏ để quản lý vừa vặn các chiến dịch ESG của mình. Ngược lại, những doanh nghiệp lớn, với mức độ đo lường chỉ số ESG cao hơn, thường phải chi nhiều hơn cho việc theo dõi và quản lý các chỉ số ESG cho các chuyên gia tư vấn để quản lý dữ liệu ESG của họ. Đây là một lợi thế kha khá cho các công ty nhỏ trong vấn đề tài chính lẫn khả năng quản lý toàn diện các chiến dịch ESG.
2. Triển khai ESG giúp giảm chi phí vận hành doanh nghiệp
Đây cũng là một lợi ích phát sinh từ những phần mềm theo dõi và báo cáo chỉ số ESG đã nêu trên. Với những phần mềm này, cùng với các tiêu chí ESG phù hợp được đề ra trước đó, các công ty vừa và nhỏ có một cơ sở để theo dõi độ hợp lý và tối ưu trong khâu sản xuất và vận hành doanh nghiệp.
Các chỉ số này có thể là mức tiêu thụ năng lượng, mức tiêu thụ nước, chi phí vận chuyển/xử lý chất thải và mức sử dụng nguyên liệu thô,… Từ các chỉ số này, các công ty sẽ lập kế hoạch và cải cách quy trình quản lý để giảm chi phí liên quan đến sử dụng năng lượng, nước và vận chuyển chất thải,…. Ngoài việc cải thiện quản lý chi phí, các chương trình ESG còn cho phép nâng cao hiệu quả hoạt động, ít bị phạt/phạt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn và cải thiện đổi mới quy trình.
→ Có thể bạn quan tâm: Checklist hướng dẫn triển khai ESG hiệu quả cho CEO
3. Đầu tư ESG sẽ giúp doanh nghiệp thu hút các quỹ đầu tư
Theo đại diện VinaCapital, ESG là một chiến lược tăng trưởng và phát triển bền vững thể hiện qua tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp, cách thức quản trị, kiểm soát các ảnh hưởng của hoạt động sản xuất, kinh doanh tới môi trường và xã hội. Thực hành ESG cũng hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư quản trị rủi ro khi đối mặt với những tác động tới hoạt động kinh doanh từ môi trường, xã hội. Vì vậy, việc lồng ghép ESG một cách có hệ thống và khoa học thể hiện rằng doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và chú trọng vào giá trị bền vững, đây cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá doanh nghiệp trong các quyết định đầu tư, mua bán và sáp nhập.
Các quỹ đầu tư hàng đầu hiện nay có xu hướng tìm kiếm các công ty thực hành tốt ESG, kết hợp phân tích tính bền vững trong các vị trí danh mục đầu tư. Những ảnh hưởng của đại dịch và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cho thấy ESG không chỉ là yếu tố cần trong các chiến lược quản trị rủi ro mà được coi là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng tài chính.
4. Cơ hội cải cách chuỗi cung ứng dựa trên tiêu chí ESG
Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu là yếu tố quan trọng khi quyết định điểm số ESG của doanh nghiệp. Và vì các nhà đầu tư ngày càng chú ý nhiều hơn đến ESG, nhiều công ty đã tăng điểm ESG bằng cách tìm kiếm và thay thế các đối tác cung ứng hiện tại thành những đơn vị cung ứng có những nỗ lực phát triển bền vững.
Cố nhiên, hiệu suất ESG trở thành một điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp chọn lọc các công ty cung ứng. Không chỉ vậy, chỉ số này còn là điều kiện để kết nối những đối tác có chung tầm nhìn và giá trị phát triển bền vững giống nhau, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác giá trị.
Cũng phải bàn thêm rằng, xét trong trong mảng chọn lọc nhà cung ứng này, lợi thế sẽ nghiêng về các doanh nghiệp lớn hơn. Một công ty lớn hơn có khả năng thay thế các đối tác chuỗi cung ứng bị mất dễ dàng hơn. Trong khi đó, những công ty nhỏ hơn đó cần đặc biệt lưu tâm đến các tiêu chí ESG mà nhiều công ty đang tìm kiếm khi lựa chọn quan hệ đối tác.
Ngoài ra, khi sử dụng nguồn cung ứng là những sản phẩm xanh – sạch, được xây dựng trên tiêu chí phát triển bền vững, tất nhiên sản phẩm đầu ra cuối cùng của các doanh nghiệp cũng được đảm bảo, thậm chí là nâng cao chất lượng và uy tín đáng kể.
Về phía các doanh nghiệp cạnh tranh trong trở thành nhà cung ứng, đây là cơ hội tốt để nắm bắt và điều chỉnh quy trình, sản phẩm của mình theo hướng thân thiện với môi trường, xã hội. Việc trở thành những nhà cung ứng tiên phong trong quá trình cải tiến sản phẩm sẽ đem lại những cơ hội phát triển doanh nghiệp, những hợp đồng kinh doanh béo bở lẫn các đối tác tiềm năng lâu dài.
5. Thực hiện chiến lược ESG giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài
Lợi ích này nằm chủ yếu nằm ở tiêu chí xã hội (S) – đề cập đến mối quan hệ giữa tổ chức và các bên liên quan. Tiêu chí này gồm những giá trị:
- Tiêu chuẩn lao động
- Điều kiện làm việc và bảo vệ người lao động
- Quyền con người
- Sự hài lòng của khách hàng
Một doanh nghiệp đảm bảo được những tiêu chí này tất nhiên sẽ khiến nhân viên yên tâm và mong muốn được cống hiến, gắn bó nhiều hơn. Sự hài lòng trong công việc cũng được cải thiện đáng kể. Do đó, doanh nghiệp sẽ đạt được những kết quả tích cực trong việc thu hút và tăng tỉ lệ giữ chân nhân viên.
Nhìn chung, việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp trong những năm qua. Việc thực hiện ESG không chỉ mang lại kết quả tài chính mà còn đóng góp tích cực cho xã hội. Điều này đã được chứng minh qua sự thành công của các công ty tuân theo chương trình ESG. Họ có tốc độ tăng trưởng cao hơn, tối ưu hóa tốt hơn tình hình tài chính và năng suất của nhân viên.
Tuy nhiên, nhiều thách thức vẫn tồn tại cho đến ngày nay khi các doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi sang một mô hình kinh doanh bền vững. Do đó, cần xác định rõ những thách thức của tiêu chuẩn ESG trong thời đại mới, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng, và góp phần gia tăng giá trị doanh nghiệp. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải trang bị cho mình những nền tảng kiến thức chính xác, tư duy phát triển bền vững đúng đắn và các mối quan hệ win – win với các chuyên gia ESG trong ngành.