Thật sai lầm nếu nghĩ rằng có một chiến lược đúng đắn sẽ đủ để chuyển đổi công ty theo hướng phát triển bền vững ESG thành công! Từ chiến lược đến thực thi hiệu quả như 2 bờ của một dòng sông rộng lớn. Và con đò đưa doanh nghiệp đến bờ vực chiến thắng lại nằm ở năng lực quản lý sự thay đổi của lãnh đạo trước bối cảnh thay đổi liên tục của ngoại cảnh.
Lên chiến lược là một chuyện, thực hiện nó lại là một chuyện khác
Nhà tư vấn quản lý kiêm nhà văn Peter Drucker đã từng nói rằng: “Culture eats strategy for breakfast (tạm hiểu: văn hóa doanh nghiệp sẽ thâu tóm chiến lược một cách dễ dàng). Chiến lược ESG cũng không phải là ngoại lệ. Một cuộc khảo sát gần đây do Strategy
& Execution đã cho thấy “84% người tham gia nói rằng thay đổi văn hóa quan trọng để chuyển đổi bền vững thành công”.
Thực tế, nếu giá trị và hành vi của nhân viên không phù hợp với chiến lược ESG của bạn, những chiến lược và định hướng thay đổi cũng không có ý nghĩa gì lắm. Sau tất cả, sự chuyển đổi bạn mong muốn sẽ không thể hiện thực hóa nếu vẫn còn nhiều thành phần trong tổ chức không chấp nhận nó và không phải chịu trách nhiệm về nó.
Vậy phải làm sao để mọi người đều “lên thuyền”?
Quá trình tái định hướng sang các tiêu chí bền vững không phải là vài động thái nhỏ lẻ, nó là cả một quá trình biến đổi từ từ, với thuyền trưởng chính là người quản lý. Chìa khóa của việc chạm được mục tiêu ESG đề ra chính là thay đổi trong các mức hành vi, bao gồm trải nghiệm – chuẩn bị – tự thực hiện.
Cụ thể, để thực hiện được chiến lược này, người quản lý cần tập trung nỗ lực vào những điều quan trọng nhất cho nhân viên: tham gia cùng nhân viên, trang bị cho nhân viên và ủy quyền cho nhân viên.
Điều quan trọng cần lưu ý là ba trụ cột này không theo trình tự mà sẽ được xem xét lại và thay đổi mức độ trong suốt quá trình chuyển đổi bền vững. Ngoài ra, điểm khởi đầu sẽ khác nhau và dựa trên sự “chín muồi” của các nhân viên trong hành trình ESG của doanh nghiệp.
Ba trụ cột quản lý thay đổi khi tiến hành chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng ESG
1- Tham gia cùng nhân viên: Kích thích nhiệt huyết và tâm trí của nhân viên
Tham gia cùng nhân viên tức là bước đầu đưa nhân viên vào hành trình chuyển đổi ESG. Đừng chỉ ngồi tại bàn làm việc, ký kết và áp đặt KPIs. Một quản lý thực thụ sẽ hiểu nhân viên đang rất hoang mang vì những điều chỉnh quá đột ngột và khác biệt. Bạn cần trực tiếp có mặt cùng nhân viên, tham gia vào các hoạt động chuyển đổi bạn mong muốn ở họ, và liên tục khích lệ tinh thần họ.
Truyền thông nội bộ là chìa khóa để chia sẻ một cách tích cực về tầm nhìn, cách tiếp cận về phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hãy tổ chức các buổi họp về chiến lược hoặc về phát triển bền vững, hoặc một buổi giao lưu thân tình với nhân viên. Tại những buổi hội họp này, hãy chia sẻ chân thành về tầm nhìn của tổ chức cũng như giá trị tốt đẹp mà doanh nghiệp lẫn mỗi nhân viên có cơ hội tạo ra nếu chấp nhận thay đổi.
Ngoài ra, đừng ngần ngại phát huy sự sáng tạo để kích thích mọi người. Bỏ những chiếc email khô khan xuống, cùng chơi những trò chơi liên quan đến việc sống xanh – sạch, hoặc kêu gọi nhân viên tham gia các hoạt động liên quan đến ESG cùng nhau.
Ví dụ, PwC (một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới) thậm chí còn phát triển một ứng dụng tên là SDG Dome. Ứng dụng này là nơi nhân viên được truyền cảm hứng để suy nghĩ về ESG, điều đó có ý nghĩa gì rất lớn đối với các quyết định của mà nhân viên đưa ra với chiến lược chung của công ty.
2 – Trang bị cho nhân viên: Cung cấp cho nhân viên những công cụ cần thiết
Khi đã được truyền lửa từ lãnh đạo, nhân viên có thể hứng khởi và sẵn sàng hành động để thay đổi hơn. Tuy nhiên, lúc này họ sẽ đặt ra câu hỏi “phải bắt đầu từ đâu”, “làm như thế nào?”, và “tôi có thể đóng góp được gì không?”. Đây chính là lúc lãnh đạo bước vào khâu “trang bị cho nhân viên”.
Trang bị cho nhân viên có nghĩa là cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để nâng cao khả năng của nhân viên trong việc thực hiện ESG trong công việc hàng ngày.
Hãy nghĩ về:
- Những công cụ thực tế mà nhân viên cần để biết để thay đổi?
- Họ cần học thêm những kiến thức nào?
- Cần trang bị thêm các ứng dụng gì?
- Mỗi khi có thắc mắc, họ sẽ tìm nguồn thông tin ở đâu?…
Nhìn chung, quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững thường đòi hỏi doanh nghiệp “tái đào tạo” một số chức năng hoặc vai trò cụ thể trong doanh nghiệp. Một khi đã xác định đâm lao, cần chuẩn bị tâm lý và nguồn lực cho kế hoạch trau dồi kiến thức về ESG cho nhân viên.
Để thực hiện điều này, bạn có thể thiết lập một chương trình training, các buổi workshop, thậm chí là những lớp học online ngắn hàng tuần. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phát triển các bộ tài liệu chuẩn chính, những framework về kiến thức và quy trình thực hiện ESG cho nhân viên.
Mỗi phòng ban sẽ tiếp cận các kiến thức về ESG theo mỗi hướng khác nhau. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo cho đội ngũ Tài chính của họ về các yêu cầu của Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD). Tất cả nhằm chuẩn bị cho việc đáp ứng các quy định về ESG sắp tới.
3 – Ủy quyền cho nhân viên: Chia sẻ một tinh thần rõ ràng từ lãnh đạo
Khi đã thấy nhân viên của mình đủ lông đủ cánh, tức là đủ cả động lực lẫn kiến thức để thay đổi, lãnh đạo cần tự tin “ủy quyền cho nhân viên”. Ủy quyền ở đây có nghĩa là cho phép nhân viên trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm cho các nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi bền vững. Lúc này, uy tín lãnh đạo và những kiến thức, những hướng dẫn trực quan, dễ hiểu chính là yếu tố quan trọng nhất.
Tóm lại, để đạt được hiệu quả trong khâu chuyển đổi của từng nhân viên, lãnh đạo cần đồng hành xuyên suốt với nhân viên từ quá trình “tập luyện” đến lúc tự triển khai.
Hãy nhớ rằng những chỉ thị qua email hay tư duy tạo khoảng cách với nhân viên sẽ không đem lại nhiều hiệu quả nếu tất cả nhân viên của bạn đang đối mặt với những sự thay đổi đột ngột. Cùng đồng hành sâu sát và hỗ trợ nhân viên từng bước một mới là cách dẫn đến chuyển đổi bền vững lâu dài và triệt để!
Cập nhập các mô hình mới nhất và case study trên thế giới tại: Khóa học ESG cho doanh nghiệp