Trong lúc xã hội ngày càng nhạy bén với vấn đề về môi trường, xã hội; công tác quản trị ESG (phát triển bền vững) đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quản lý doanh nghiệp. Kéo theo đó, việc học về phát triển bền vững ESG trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều ngành nghề trong tương lai. Nhưng rốt cuộc ESG là gì? Những ai nên học ESG? ESG mang lại lợi thế cho cạnh tranh và mở rộng con đường sự nghiệp cho những ngành nghề, lĩnh vực nào? Bài viết dưới đây sẽ giải thích cho bạn hết những vấn đề này!
ESG là gì?
ESG (Environmental – Social – Governance) là một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Nó bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.
Nhà đầu tư có thể sử dụng ESG để chọn lọc các công ty hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm với xã hội để đầu tư. Đồng thời ESG giúp các doanh nghiệp xác định rủi ro, cơ hội và mức độ ảnh hưởng khi áp dụng các tiêu chuẩn này vào quá trình vận hành.
Tìm hiểu thêm:
- ESG – Phát triển bền vững doanh nghiệp là gì? 5 bước giúp doanh nghiệp triển khai ESG
- Tiêu chuẩn ESG là gì? 3 trọng tâm doanh nghiệp cần tìm hiểu trước khi chuyển đổi theo xu thế
Ai nên học ESG?
Ý thức của người trẻ về tác động của doanh nghiệp đến xã hội ngày càng tăng và đang gây ra nhiều làn sóng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc học về phát triển bền vững ESG đang dần trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho nhiều ngành nghề và vai trò quan trọng:
1. Nhà phân tích ESG
Một nhà phân tích ESG có thể tìm hiểu và đánh giá các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của các công ty và tổ chức. Họ xem xét hiệu quả của các hoạt động ESG trong công ty bằng cách phân tích lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng hiện có. Từ đó, họ đề xuất những phương pháp hoàn thiện công tác ESG cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin hỗ trợ quyết định đầu tư, và tư vấn cho các công ty về việc cải thiện hiệu suất ESG của tổ chức.
Với vai trò quan trọng như vậy, những nhà phân tích ESG có thể làm việc trong hầu hết các tổ chức có thực hiện phát triển bền vững, dù là ngân hàng và quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn nhỏ ở tất cả các ngành hàng,…
2. Nhà tư vấn tài chính
Việc triển khai thực hiện ESG có thể ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền của doanh nghiệp. Một chuyên viên tư vấn tài chính với chuyên môn về ESG là nhân tố cần thiết để giúp các công ty phân bố tài chính cho các mục đích ESG một cách tối ưu và vừa đủ.
Ví dụ, các tư vấn tài chính có kiến thức về ESG họ có thể hỗ trợ trong việc thiết lập các mục tiêu về khí hậu và chuẩn bị báo cáo theo các yêu cầu của các quy định về tiết lợi năng lượng và khí hậu. Họ cũng có thể giúp xác định cơ hội đầu tư trong các ngành công nghiệp bền vững như năng lượng tái tạo hay xây dựng xanh.
3. Chuyên gia trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.
Những chuyên gia trái phiếu xanh có kiến thức về ESG có thể làm việc trong các ngân hàng đầu tư để tư vấn về phát hành và giao dịch các trái phiếu xanh. Họ có thể làm việc với các công ty điện gió và điện mặt trời để giúp họ tìm nguồn vốn để phát triển dự án sạch, đồng thời giảm lượng khí thải carbon đáng kể.
4. Chuyên viên tư vấn đầu tư
Một chuyên viên quản lý danh mục đầu tư cho doanh nghiệp hoặc chuyên viên tư vấn đầu tư cá nhân với kiến thức ESG sẽ biết cách tích hợp các yếu tố này vào quá trình lựa chọn đầu tư và quản lý chiến lược đầu tư khá hiệu quả.
Và bằng cách tích hợp ESG vào danh mục đầu tư, họ có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư. Với mối quan hệ và kiến thức của mình, họ có thể tìm kiếm các công ty tiềm năng với các chính sách bền vững hiệu quả rồi đầu tư vào đó. Việc đầu tư vào các tổ chức có tầm ảnh hưởng đến xã hội, môi trường và quyền con người có thể đem lại nguồn lợi đáng kể cho doanh nghiệp.
5. Các đơn vị bảo hiểm
Với tình hình biến đổi khí hậu, ngành bảo hiểm đang phải đối mặt với các rủi ro. Lúc này, các chuyên gia bảo hiểm có kiến thức về ESG có thể giúp phát triển các mô hình định giá bảo hiểm mới. Các mô hình này sẽ tích hợp các yếu tố ESG vào việc định giá và quản lý rủi ro. Ví dụ, việc xem xét rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và thiên tai có thể giúp bảo hiểm phân phối tài chính một cách hiệu quả và xây dựng các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với môi trường.
6. Các nhà quản lý quỹ – chẳng hạn quỹ hưu trí
Các quỹ hưu trí đang phải đối mặt với áp lực báo cáo về phương pháp đầu tư ESG và rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Điều này khuyến khích các quản trị viên quỹ hưu trí và nhóm đầu tư của họ xem xét kỹ các lựa chọn đầu tư và tuân thủ các yêu cầu báo cáo và theo dõi
7. Chuyên gia xử lý dữ liệu và phân tích
Với sự gia tăng về ý thức ESG, các công ty cần sử dụng và phân tích dữ liệu về ESG một cách hiệu quả. Chuyên gia xử lý dữ liệu và phân tích có kiến thức về ESG có thể phát triển và áp dụng các mô hình phân tích dữ liệu để đánh giá và theo dõi hiệu quả ESG của công ty. Họ đóng vai trò dùng các công cụ phân tích để đo lường tác động xã hội và môi trường của công ty, từ đó đưa ra các đề xuất cải tiến cho doanh nghiệp.
8. Kế toán viên
Các chuyên gia kế toán có vai trò quan trọng trong việc báo cáo hoạt động ESG của doanh nghiệp. Họ cần hiểu các nguyên tắc và tiêu chuẩn ESG và có khả năng đo lường và báo cáo dữ liệu liên quan đến ESG. Bằng cách nắm vững kiến thức về ESG, kế toán có thể đảm bảo rằng thông tin ESG được báo cáo một cách chính xác và đáng tin cậy.
9. Luật sư
Những người làm trong lĩnh vực luật có thể học về phát triển bền vững ESG để hiểu rõ các quy định và luật pháp liên quan đến ESG. Họ có thể tư vấn và hỗ trợ các công ty trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý và đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh của công ty không vi phạm các quy định về ESG.
10. Chuyên gia tiếp thị và truyền thông
Việc học về phát triển bền vững ESG khá cần thiết cho các chuyên gia tiếp thị và truyền thông. Vì rõ ràng, muốn cộng đồng hiểu được các chiến lược ESG của mình, doanh nghiệp phải tìm cách “giao tiếp” với cộng đồng hiệu quả.
Các chuyên gia Marketing – communications cần phải nắm rõ các nguyên tắc của ESG, vai trò và tác động của ESG đến với xã hội. Chỉ khi đó họ mới có thể thuyết phục được khách hàng, đối tác và tất cả các bên liên quan cùng chung sức để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cam kết ESG.
11. Giáo viên và giảng viên
Giáo dục luôn là cái nôi của mọi vấn đề, mọi sự cải cách. Vì thế, việc học về phát triển bền vững ESG là yêu cầu thiết yếu cho mọi giáo viên. Chỉ khi có đủ kiến thức và tầm nhìn, họ mới có đủ công cụ để truyền đạt giá trị bền vững cho thế hệ tương lai, thiết kế các chương trình học ESG phù hợp, và thúc đẩy ý thức về bảo vệ môi trường và quyền con người cho học viên.
12. Chuyên gia về chuỗi cung ứng
Việc học về ESG cũng hỗ trợ cho các chuyên gia về chuỗi cung ứng. Các chuyên gia này chịu trách nhiệm đảm bảo chuỗi cung ứng của công ty đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc ESG mà doanh nghiệp cam kết.
Họ cần theo dõi, đánh giá hiệu suất của nhà cung cấp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường và xã hội để quyết định tìm kiếm, chọn lựa các nguồn nguyên vật liệu phù hợp.
Việc học về phát triển bền vững ESG không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự phát triển bền vững trong doanh nghiệp mà còn tạo ra những cơ hội mới cho nhiều ngành nghề và vai trò khác nhau.
Vì thế, dù bạn là lãnh đạo doanh nghiệp hay chuyên gia tài chính, kế toán, luật sư hay bất kì ngành nghề nào khác, việc nắm vững kiến thức về ESG là một bệ đỡ vững chắc để củng cố chỗ đứng và mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn. Vì thế, hãy tranh thủ trang bị kiến thức về ESG cho mình để trở thành những người tiên phong nhé!→ Có thể bạn quan tâm: Khóa học ngắn hạn hướng dẫn cách ứng dụng ESG trong doanh nghiệp