Học thạc sĩ quản trị kinh doanh có thật sự cần thiết không?

học thạc sĩ quản trị kinh doanh

Trong vài năm trở lại đây, bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) dường như trở thành một “trend học thuật” không thể bỏ qua đối với giới trẻ đang đi làm, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý, khởi nghiệp. Từ nhân viên văn phòng, chủ doanh nghiệp nhỏ, đến các giám đốc điều hành, ai ai cũng bàn đến chuyện học thạc sĩ quản trị kinh doanh khiến nhiều người tự hỏi: MBA có thật sự cần thiết không? Hay đây chỉ là một cuộc chạy đua bằng cấp? Hãy cùng SOM đi sâu phân tích để có cái nhìn rõ ràng và thực tế nhất trong bài viết dưới đây.

hoc thac si quan tri kinh doanh 1

1. Vì sao ngày càng nhiều người đổ xô đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh?

Có thể thấy, những năm gần đây, trào lưu học MBA phát triển mạnh mẽ bởi một vài tác động: 

  • Sự lan rộng của tư duy “học để làm sếp”:  MBA thường được gắn với hình ảnh những nhà lãnh đạo thành đạt. Trong văn hóa doanh nghiệp hiện đại, bằng MBA đôi khi được xem như một “vé thông hành” vào các vị trí quản lý cấp cao.
  • Thị trường giáo dục mở rộng và tiếp thị mạnh mẽ: Các trường đại học trong và ngoài nước ngày càng mở rộng chương trình MBA với quảng cáo hấp dẫn: kết nối toàn cầu, mô hình giảng dạy từ thực tiễn, và cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.
  • Áp lực cạnh tranh và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp cần người có tư duy chiến lược và khả năng thích ứng. MBA, trên lý thuyết, là nơi đào tạo ra những cá nhân như vậy.

2. Lợi ích và thử thách từ chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh

Học MBA không đơn thuần chỉ là sở hữu thêm một tấm bằng, mà còn là quá trình đầu tư nghiêm túc vào tư duy, kiến thức và mạng lưới quan hệ. Tuy nhiên, giống như bất kỳ hành trình học tập nào, MBA cũng đi kèm với cả lợi ích lẫn thách thức mà người học cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bắt đầu.

Những lợi ích đáng kể khi học thạc sĩ quản trị kinh doanh

  • Phát triển tư duy chiến lược và tổng quát: MBA không chỉ cung cấp kiến thức quản trị mà còn giúp người học rèn luyện tư duy điều hành – nhìn nhận các vấn đề trong doanh nghiệp một cách hệ thống, dài hạn và định hướng kết quả.
  • Cơ hội chuyển nghề (career switch): Với những người xuất thân từ chuyên môn kỹ thuật, vận hành hoặc sáng tạo, MBA là công cụ hiệu quả để chuyển hướng sang các vị trí quản lý, kinh doanh hoặc chiến lược.
  • Mở rộng mạng lưới kết nối chuyên nghiệp: Thông qua các dự án nhóm, hoạt động ngoại khóa và mạng lưới cựu sinh viên, người học MBA có thể tiếp cận cộng đồng chuyên gia và lãnh đạo trong nhiều ngành – từ đó mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển sự nghiệp.
  • Tiếp cận kinh nghiệm và mô hình toàn cầu: MBA thường xuyên sử dụng case study, học liệu quốc tế và giảng viên từng là doanh nhân, giúp người học tiếp cận thực tiễn đa chiều từ nhiều thị trường khác nhau.
  • Gia tăng uy tín cá nhân trong môi trường chuyên nghiệp: Đối với những người đã làm quản lý, MBA là bằng cấp giúp củng cố vị thế, đặc biệt khi lãnh đạo đội nhóm có chuyên môn cao. Việc đầu tư học tập bài bản có thể tăng uy tín trong mắt cấp dưới, đồng thời truyền cảm hứng học hỏi cho cả đội ngũ.
  • Tăng cơ hội thăng tiến và mức thu nhập: Dù không phải là yếu tố quyết định, nhưng trong một số lĩnh vực như tài chính, tư vấn, FMCG hoặc công nghệ, MBA có thể là lợi thế cạnh tranh rõ rệt giúp bạn tiếp cận các vị trí cấp cao và thu nhập tốt hơn.

Những thử thách không thể xem nhẹ từ chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh

  • Chi phí học tập và cơ hội bị gián đoạn: Mức học phí cho một chương trình MBA chất lượng thường không nhỏ, chưa kể thời gian và công sức để theo đuổi, nhất là với người đang đi làm hoặc có gia đình.
  • Không đảm bảo hiệu quả tức thì: MBA không phải là “phép màu”. Nếu bạn kỳ vọng chỉ cần có bằng là được thăng chức hay đổi nghề, bạn có thể thất vọng nếu không có kế hoạch rõ ràng và khả năng áp dụng thực tế.
  • Rủi ro học sai thời điểm: Học quá sớm khi chưa có kinh nghiệm có thể khiến bạn không hiểu và không áp dụng được kiến thức. Học quá muộn lại vướng nhiều ràng buộc, khó duy trì năng lượng và tiến độ học tập ổn định.

Khi nào nên học và chưa nên học thạc sĩ MBA?

hoc thac si quan tri kinh doanh

MBA có thể là một bước ngoặt trong sự nghiệp nếu được đầu tư đúng lúc và đúng cách. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần hoặc nên học MBA ở thời điểm hiện tại. Việc xác định rõ “học để làm gì” là yếu tố then chốt để biết liệu tấm bằng này có thật sự cần thiết cho bạn hay không.

Khi nào nên thạc sĩ quản trị kinh doanh?

1. Khi bạn đã có nhiều kinh nghiệm và muốn chuẩn hóa kiến thức trong công việc

MBA không phải dành cho người mới ra trường. Các chương trình MBA thiết kế để phát huy tối đa khi người học đã có từ 2–5 năm kinh nghiệm làm việc trở lên. Lúc này, bạn không chỉ học kiến thức mà còn có cơ sở để liên hệ với thực tiễn, thảo luận sâu với giảng viên và bạn học. Đó là tiền đề để tiếp thu sâu hơn và áp dụng hiệu quả sau khi học.

2. Khi bạn đang cần chuẩn bị để “bước lên một vai trò mới”

Nếu bạn đang là chuyên viên và được đề bạt lên quản lý, hoặc đang là quản lý trung cấp muốn nhắm đến vai trò lãnh đạo cấp cao, MBA là “công cụ nâng cấp” phù hợp. Nó giúp bạn chuyển dịch tư duy từ vận hành sang chiến lược, từ làm việc cá nhân sang điều phối tổ chức.

3. Khi bạn thật sự mong muốn chuyển ngành hoặc khởi nghiệp bài bản

Nhiều người làm kỹ thuật, sáng tạo hoặc sản xuất muốn chuyển sang kinh doanh, tài chính hoặc chiến lược. MBA giúp họ hiểu cách một doanh nghiệp vận hành – từ kế toán, nhân sự, marketing đến quản trị chuỗi cung ứng. Tương tự, với người chuẩn bị khởi nghiệp, MBA là nơi luyện kỹ năng phân tích mô hình kinh doanh, xây dựng chiến lược và học hỏi từ thất bại – qua những case study thực tế.

4. Khi bạn chuẩn bị đủ nguồn lực: thời gian, tài chính và sức bền

Học MBA không đơn giản chỉ là ngồi nghe giảng. Nó đòi hỏi đọc tài liệu dày đặc, làm việc nhóm, thuyết trình, phân tích tình huống và viết bài luận. Nếu bạn đang quá bận rộn hoặc gặp khó khăn tài chính, cần cân nhắc kỹ vì hành trình học sẽ kéo dài ít nhất 1–2 năm và tiêu tốn cả sức lực lẫn tinh thần.

5. Khi bạn cần mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp 

Nếu mục tiêu chính của bạn là xây dựng quan hệ trong ngành, tìm đối tác khởi nghiệp hoặc muốn gia nhập cộng đồng kinh doanh toàn cầu, MBA là một kênh hiệu quả. Nhưng bạn cần chọn đúng chương trình có học viên chất lượng và môi trường học tích cực.

→ Có thể bạn quan tâm: Khi nào nên học thạc sĩ mba thì có lợi nhất cho sự nghiệp?

Khi nào chưa cần thiết phải học thạc sĩ MBA?

Học MBA chỉ là một phần của quá trình phát triển sự nghiệp, cần được kết hợp với nỗ lực cá nhân, mối quan hệ và kỹ năng mềm. Không phải ai cũng cần học MBA, và có nhiều tình huống khiến bạn dễ hiểu lầm rằng MBA là “lối thoát” cho sự bế tắc trong công việc, trong khi thực tế, vấn đề lại nằm ở chỗ khác. Dưới đây là những tình huống phổ biến khiến nhiều người nghĩ rằng mình cần học MBA – nhưng thực ra, chưa thật sự cần thiết:

1. Khi mục tiêu duy nhất là “có thêm một tấm bằng”

MBA không phải là bằng cấp trang trí. Nếu bạn chỉ muốn học để “thêm dòng chữ vào CV”, bạn sẽ nhanh chóng thất vọng vì áp lực học rất cao mà hiệu quả lại không rõ rệt nếu không có ứng dụng thực tế.

2. Khi bạn đang cần học chuyên sâu một mảng kỹ thuật hoặc nghiệp vụ cụ thể

Nếu bạn đang muốn nâng cao chuyên môn cụ thể như phân tích dữ liệu, thiết kế sản phẩm hay SEO/marketing kỹ thuật số, các khóa học chuyên ngành hoặc chứng chỉ chuyên môn (như Google, CFA, PMP…) có thể phù hợp hơn nhiều so với MBA tổng quát.

3. Khi bạn cảm thấy chán công việc hiện tại và muốn “đổi gió”

Cảm giác bế tắc không có nghĩa là MBA là giải pháp. Nhiều người chọn học MBA vì đang mất phương hướng trong công việc, cảm thấy chán nản hoặc không biết mình muốn gì. Nhưng nếu không xác định rõ mục tiêu, việc học MBA sẽ giống như “trốn chạy tạm thời” thay vì giải quyết tận gốc vấn đề. Trong trường hợp này, một khóa coaching nghề nghiệp hoặc thời gian tự nhìn lại bản thân có thể hiệu quả hơn nhiều.

4. Khi bạn học chỉ vì… người khác học

MBA không phải là cuộc đua số đông. Việc bạn bè, đồng nghiệp, sếp cũ đi học MBA có thể tạo ra áp lực tâm lý: “họ học rồi, mình cũng nên học”. Nhưng MBA là hành trình cá nhân. Nếu bạn không biết học để làm gì, không có nhu cầu thay đổi tư duy hay vị trí, thì bạn đang đầu tư sai cách – tốn cả tiền và thời gian.

5. Khi bạn kỳ vọng MBA sẽ “tự động” giúp bạn thăng tiến

Bằng cấp không thay thế được năng lực và hiệu quả công việc. Một số người học MBA với kỳ vọng sau khi có bằng sẽ được tăng lương, đề bạt lên vị trí cao hơn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức đánh giá dựa trên năng lực thực tế, kết quả công việc và kỹ năng mềm – chứ không đơn thuần dựa vào bằng cấp. Nếu bạn không áp dụng được kiến thức vào công việc hoặc không thay đổi được cách làm việc, MBA có thể chỉ nằm trên CV.

3. Những câu hỏi cần tự trả lời trước khi học thạc sĩ MBA

Để đưa ra lựa chọn đúng đắn cho việc học MBA có cần thiết ở thời điểm hiện tại không, bạn cần trung thực trả lời những câu hỏi sau:

  • Tôi học MBA để làm gì? Thăng tiến, chuyển ngành, khởi nghiệp, hay chỉ để có thêm bằng cấp?
  • Tôi muốn học lý thuyết học thuật hay kiến thức thực chiến? MBA thiên về phân tích chiến lược, lý thuyết ứng dụng – nếu bạn đang cần giải pháp thực tế cho doanh nghiệp nhỏ, có thể bạn cần học ngắn hạn hơn.
  • Tôi có đủ thời gian, sức khỏe và tài chính để theo học nghiêm túc? Nếu bạn đang quá tải công việc, chưa đủ nguồn lực hoặc động lực học, MBA có thể trở thành gánh nặng.
  • Tôi có tư duy học tập chủ động? MBA không phải lớp nghe giảng rồi làm bài kiểm tra. Bạn cần sẵn sàng trao đổi, phản biện, nghiên cứu và áp dụng.

Phân biệt Mini MBA, MBA và EMBA: học cái gì, khi nào và cần chuẩn bị gì?

hoc thac si quan tri kinh doanh 2

Nếu đã quyết định học MBA, trước khi “đặt gạch” đăng ký bất kỳ chương trình nào có chữ “MBA” trong tên, bạn cần hiểu rõ sự khác biệt giữa Mini MBA, MBA chính quy và EMBA. Không chỉ về nội dung và đối tượng, các yếu tố như ngân sách, thời gian, mạng lưới quan hệ và cả sức khỏe tinh thần cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc học hiệu quả.

Dưới đây là phân tích cụ thể từng loại:

1. Mini MBA – khóa học MBA ngắn hạn

Đặc điểm:

  • Là chương trình ngắn hạn (từ vài tuần đến vài tháng).
  • Học những kiến thức nền tảng về quản trị như tài chính, marketing, nhân sự, chiến lược, vận hành…
  • Không cấp bằng chính quy, thường chỉ có chứng chỉ hoàn thành.

Phù hợp với:

  • Người mới bắt đầu làm quản lý, hoặc chuyên viên kỹ thuật, sáng tạo muốn có tư duy quản trị cơ bản.
  • Những người muốn “test nước” trước khi đầu tư học MBA thật sự.

Ngân sách:

  • Dao động từ 10–50 triệu đồng (tùy theo đơn vị đào tạo trong/ngoài nước).
  • Không phát sinh chi phí đi lại, ăn ở nếu học online.

2. MBA – chương trình MBA căn bản

Đặc điểm:

  • Là chương trình học thuật và thực tiễn kéo dài từ 1 đến 2 năm.
  • Cung cấp kiến thức toàn diện về các lĩnh vực quản trị, có thể theo chuyên ngành (marketing, finance, HR…).
  • Được cấp bằng chính quy có giá trị quốc tế.

Phù hợp với:

  • Người đã có vài năm kinh nghiệm làm việc và muốn chuyển sang vai trò quản lý cấp trung hoặc cao.
  • Người cần bằng cấp để thăng tiến, chuyển ngành, hoặc định cư/làm việc ở nước ngoài.

Ngân sách:

  • MBA trong nước: từ 100–400 triệu đồng.
  • MBA quốc tế hoặc du học: có thể lên đến 800 triệu – 1,5 tỷ đồng, chưa kể chi phí sinh hoạt và cơ hội việc làm bị gián đoạn trong thời gian học.

→ Có thể bạn quan tâm: Học MBA để làm gì? Khi nào nên học? Vì sao? Điều kiện học MBA là gì? Nên học ở đâu?

3. EMBA – khóa học MBA dành cho lãnh đạo cấp cao

Đặc điểm:

  • Thiết kế riêng cho người có kinh nghiệm quản lý (8–10 năm trở lên).
  • Học linh hoạt theo lịch cuối tuần hoặc từng đợt tập trung.
  • Chương trình không quá nặng lý thuyết, tập trung trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và chiến lược.

Phù hợp với:

  • CEO, Giám đốc, Trưởng bộ phận cấp cao đang điều hành doanh nghiệp hoặc tổ chức.
  • Những người muốn làm mới tư duy quản lý và kết nối với hệ sinh thái lãnh đạo khác.

Ngân sách:

  • Từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng cho chương trình chất lượng (Việt Nam hoặc liên kết quốc tế).
  • Có thể được doanh nghiệp tài trợ một phần nếu nằm trong lộ trình phát triển nhân sự cấp cao.

Có thể bạn quan tâm: 

Tóm lại, MBA không phải là con đường bắt buộc, cũng không phải là con đường ngắn nhất để thành công. Nhưng nếu bạn có mục tiêu rõ ràng, sự sẵn sàng để học nghiêm túc, và tinh thần học để thay đổi tư duy, MBA có thể là khoản đầu tư đáng giá nhất cho sự nghiệp. Thay vì hỏi “người ta học, mình có nên học không?”, hãy hỏi chính mình: “Tôi muốn đi đâu – và MBA có phải là con đường hợp lý nhất để tới đó hay không?” Nếu câu trả lời là có, đừng ngại dấn thân để đạt được những đích đến cao hơn trong sự nghiệp.  

Facebook
LinkedIn
Email
Print
Viện Công Nghệ Châu Á - AIT

Trường Quản Lý - SOM

Mục tiêu của chúng tôi tại Trường Quản lý (SOM) là tác động đến chất lượng giáo dục và thực tiễn quản lý ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới: nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, dẫn đầu công nghệ, tinh thần kinh doanh, sự giàu có sự sáng tạo và niềm tự hào.

0
Năm
Thành lập
0 0
Chương trình
Đào tạo

CONTACT US

Kết nối cùng SOM-AIT để cập nhật thêm thông tin về các chương trình: Thạc sĩ, Tiến sĩ, Đào tạo ngắn hạn, học bổng…