Các doanh nghiệp Việt ngày càng nói nhiều về ESG và tiềm năng từ việc phát triển bền vững ESG trong tương lai. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022″ do PwC và VIOD thực hiện, điều này vẫn còn khá xa vời. Vậy thực trạng phát triển bền vững ở Việt Nam hiện tại ra sao, bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào giúp bạn.
Lý giải về xu hướng phát triển bền vững ESG tại Việt Nam
Khái niệm phát triển bền vững (ESG) là gì? Hiểu nôm na thì ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là tiêu chí được một số tổ chức dựa vào để đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, và là cơ sở cho việc lựa chọn của các nhà đầu tư tài chính, đối tác kinh doanh.
ESG đang được ưu tiên đưa vào tiêu chí xem xét đầu tư của các nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là dòng vốn từ Châu Âu và các nước phát triển. Do đó mà doanh nghiệp có thực hành và báo cáo ESG tốt sẽ có nhiều lợi ích hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn.
Những nhà đầu tư tập trung vào giá trị bền vững sẽ xem xét những yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị để đưa vào đánh giá rủi ro cũng như tính toán các chỉ số về lợi nhuận tài chính trong trung và dài hạn. Việc thực hành tốt ESG của từng doanh nghiệp khi trở thành một làn sóng sẽ góp phần vào tạo dựng hình ảnh thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
→ Hiểu thêm về khái niệm phát triển bền vững và tiêu chuẩn của ESG
Chính bởi những tiềm năng lớn này, công cuộc phát triển bền vững ở Việt Nam ngày càng được quan tâm. ESG đã trở thành xu hướng chủ đạo và được công nhận rộng rãi là một phần thiết yếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ nhu cầu tác động của người tiêu dùng, người lao động và các nhà đầu tư.
Cụ thể, đa phần (57%) các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG. Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thì đã áp dụng cách tiếp cận “quan sát và chờ đợi” khi hơn một nửa (58%) cho biết họ có kế hoạch cam kết ESG trong tương lai gần.
Bất ngờ hơn, có đến 40% doanh nghiệp tư nhân/ doanh nghiệp gia đình được khảo sát cho biết họ đã đặt ra các cam kết ESG. Con số này cũng nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của Thế hệ kế nghiệp Việt Nam và niềm tin về việc các doanh nghiệp gia đình nên dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững.
Thực trạng phát triển bền vững đương thời: Muốn phát triển bền vững nhưng…thiếu kiến thức
Báo cáo cũng cho một cái nhìn thực tế hơn về tình trạng phát triển bền vững ở Việt Nam. Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG. Mặc dù cam kết của ESG ở Việt Nam đạt mức đáng khen ngợi, kết quả báo cáo cũng cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động.
Các doanh nghiệp hiện đang đi đúng hướng và cho thấy sự tiến bộ. Song, nhiều vấn đề vẫn còn cần cải thiện hơn nữa. Thực trạng này chủ yếu bởi 2 nguyên nhân
Thiếu kiến thức là rào cản chính đối với các công ty chưa đặt cam kết ESG. Theo kết quả khảo sát, 60% doanh nghiệp chưa đưa ra cam kết ESG là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức khiến các công ty vẫn chưa đưa ra kế hoạch thực hiện bất kỳ cam kết nào liên quan đến ESG.
Trong khảo sát, dù với mức độ cam kết trong tư tưởng chiếm đến 80%, chỉ 28% doanh nghiệp đã có có các chỉ số rủi ro tổng hợp để giám sát tiến trình triển khai ESG, 35% doanh nghiệp chưa có bất kỳ sáng kiến hay thực hành nào liên quan đến ESG và 71% doanh nghiệp cho biết chưa trang bị đủ kiến thức về các dữ liệu cần thiết để báo cáo ESG.
Có thể thấy, việc cam kết trong tư tưởng và cam kết trong hành động vẫn còn cách khá xa nhau. Điều đó khiến việc thực hành ESG ở Việt Nam vẫn còn ở những bước khám sơ khai, chủ yếu vì thiếu kiến thức về ESG.
→ Có thể bạn quan tâm: Các bước giúp doanh nghiệp phát triển bền vững ESG
Cần làm gì để trang bị kiến thức phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt
- Hệ thống hóa một bộ khung kiến thức chuẩn chỉnh về ESG đúng với thực trạng của Việt Nam. Khung kiến thức này phải đầy đủ và đa dạng cho tất cả các cấp doanh nghiệp và nhân viên
- Củng cố và phổ biến các quy định minh bạch về ESG: Bên cạnh kiến thức, việc thiếu các quy định minh bạch về ESG cũng khiến nhân viên không biết nên chọn lọc chiến lược và định hướng phát triển ESG như thế nào.
- Làm rõ trách nhiệm quản trị ESG ở hội đồng lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp: Hội đồng quản trị không thể chỉ buông những cam kết suông về ESG mà cần phải triển khai thực hiện cũng như giám sát các vấn đề ESG trong doanh nghiệp chặt chẽ. Họ phải đứng ở trung tâm trong việc xem xét và tích hợp các rủi ro cũng như cơ hội từ ESG, sẵn sàng thảo luận để giải quyết các vấn đề ESG phát sinh trong chương trình nghị sự của các phiên họp HĐQT.
- Liên kết “phổ biến” và đồng lòng giữ các bên: Nếu ESG chỉ nằm trong câu chuyện của ban lãnh đạo mà không có sự chung tay của các cấp nhân viên thì sẽ không thể nào hoàn thiện được. Vì vậy, phải tạo cho người lao động hiểu biết về sự quan trọng của ESG, nâng cao nhu cầu trau dồi kiến thức về phát triển bền vững. Để đạt được điều này, chúng ta cần sự cam kết tập thể và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý, giới truyền thông và cả chính phủ.
→ Học ESG là học gì? Học ESG ở đâu tại Việt Nam?
Nhìn chung, kiến thức, quy định và lộ trình phát triển tổng thể vẫn là yếu điểm trong nỗ lực vươn xa về ESG của các doanh nghiệp Việt. Chỉ khi nhận thức về ESG được hoàn chỉnh và đồng đều, doanh nghiệp mới có thể tận dụng được ESG vào khung đánh giá rủi ro của tổ chức, đồng thời nới rộng cơ hội hợp tác phát triển ở quy mô quốc tế.