Thiết lập mục tiêu và phát triển liên tục là những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với nhân sự ở cấp điều hành, đặc biệt là CEO – vị trí đòi hỏi sự đổi mới không ngừng để phù hợp với bối cảnh kinh doanh mỗi ngày mỗi khác. Trong bài viết này, SOM xin phép chia sẻ năm kỹ năng quản lý cốt lõi mà mỗi CEO cần phải trang bị khi bước sang năm 2024 nhiều thử thách.
Cho dù bạn là một giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm, một nhà lãnh đạo đầy tham vọng sẵn sàng cho bước chuyển mình của doanh nghiệp, hay là công ty đang tìm kiếm một CEO có tầm nhìn, việc hiểu và củng cố năm phẩm chất quan trọng này là vô cùng cần thiết để lãnh đạo hiệu quả.
1. Lãnh đạo con người – People Leadership
Những năm trước đây, CEO thường chỉ chú trọng phát triển các kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và sự nhạy bén trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, trong nền kinh tế phẳng như hiện nay, bên cạnh hai kỹ năng vừa đề cập, một giám đốc điều hành giỏi sẽ được biết đến nhiều hơn với vai trò lãnh đạo con người.
Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng dẫn dắt đội nhóm, khả năng thay đổi hành vi của nhân sự, khả năng truyền cảm hứng, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực trao quyền… chính là các kỹ năng của nhà quản trị nhất định phải có. Bởi lẽ, kể từ năm 2024 trở đi, không ít các công việc, sự vụ đang dần bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tự động hóa, phần mềm thông minh.
Theo đó, con người càng phải chứng minh những năng lực chưa thể bị thay thế bởi robot, máy móc, AI, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Một mối quan tâm rất lớn trong xã hội hiện nay, đó chính là vấn đề generation gap (khoảng cách thế hệ). Nó không chỉ xuất hiện trong đời sống xã hội, mà còn hiện hữu tại các tổ chức và khiến không ít giám đốc điều hành đau đầu về vấn đề này. Theo thống kê từ một cuộc khảo sát trên LinkedIn đã cho biết, có gần 9/10 nhân viên Millennial và Gen Z sẵn sàng rời bỏ vị trí hiện tại để tìm đến một công ty có văn hóa và giá trị làm việc phù hợp với những giá trị cá nhân mà thế hệ này đang theo đuổi.
Theo đó, kỹ năng lãnh đạo con người của CEO càng cần được nhấn mạnh hơn nữa, để thấu hiểu và tìm kiếm giải pháp gắn kết và giữ chân nhân sự nhằm đảm bảo hiệu suất chung của công ty.
2. Sự linh hoạt – Agility – kỹ năng quản lý quan trọng nhất
Những năm gần đây, khi bối cảnh kinh tế vô cùng bất ổn, những biến động không mong đợi diễn ra liên tục như: hệ lụy từ sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), dịch Covid-19, chiến sự giữa Nga-Ukraine và Israel-Gaza… Để đối phó với những tác động, thay đổi lớn này, kỹ năng lãnh đạo quản lý một cách linh hoạt là điều cơ bản phải có của các giám đốc điều hành.
Một CEO linh hoạt được xác định là người nhanh nhẹn, linh động, ham học hỏi, có tinh thần hợp tác, cởi mở, khả năng thích ứng cao trước biến động không lường trước được. Đặc biệt, nếu tận dụng các cơ hội mới nổi trong chính bối cảnh kinh tế đầy thách thức, CEO sẽ càng được tổ chức coi trọng, nhân sự đánh giá cao.
Để làm được điều trên, giám đốc điều hành cần liên tục xem xét, theo dõi các mục tiêu dài hạn của công ty, nhằm đảm bảo cá nhân nhà quản trị cũng như tổ chức có đủ lợi thế cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu thay đổi của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trong năm 2023, một cuộc khảo sát của PwC cho biết, các CEO người Ireland cho rằng, doanh nghiệp của họ sẽ không vận hành hiệu quả trong 10 năm tiếp theo nếu tiếp tục theo đuổi định hướng kinh doanh hiện tại. Các nhà lãnh đạo dự đoán những thay đổi về quy định, tình trạng thiếu lao động, nhu cầu thay đổi của khách hàng và những đột phá về công nghệ sẽ tác động nặng nề đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong thập kỷ tới.
Với bối cảnh này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có tư duy linh hoạt và linh động điều chỉnh chiến lược của mình khi hoàn cảnh thay đổi.
→ Có thể bạn quan tâm: Khóa học quản trị sự thay đổi thuộc Chương trình Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh dành cho các nhà Quản Lý – EMBA. Khóa học sẽ giúp học viên hiểu và áp dụng các nguyên tắc quản lý thay đổi tại nơi làm việc nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho hệ thống Quản trị.
3. Tư duy cầu tiến – Growth Mindset
Để lãnh đạo thành công, các CEO ở tất cả các lĩnh vực cần phải có tư duy cầu tiến. Đây là kỹ năng bổ trợ cho tính linh động mà SOM vừa đề cập ở trên. Nếu tồn tại tinh thần ngại khó ngại khổ, rất khó để doanh nghiệp ứng phó kịp thời với các thách thức phát sinh. Tư duy cầu tiến thể hiện mong muốn liên tục tiến bộ, điều này không những củng cố tầm nhìn của doanh nghiệp, mà còn truyền cảm hứng cho nhân viên, đội nhóm cùng nhau phát triển.
Theo báo cáo của Viện NeuroLeadership, khoảng 69% doanh nghiệp sử dụng đội ngũ lãnh đạo cấp cao của họ làm hình mẫu về tư duy cầu tiến cho nhân viên. Bởi lẽ các CEO có tư duy cầu tiến sẽ thúc đẩy văn hóa cải tiến liên tục và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi cho tập thể. Họ khuyến khích nhân viên đưa ra những ý tưởng mới, không ngừng tìm cách nâng cao hiệu suất để đối đầu và vượt mặt đối thủ.
Bên cạnh đó, giám đốc điều hành có tư duy cầu tiến cũng được biết đến là những người có khả năng chấp nhận rủi ro cao hơn, và không nản lòng trước những chuyển biến tiêu cực. Vì họ tin rằng, “lửa thử vàng gian nan thử sức”, họ sẽ thành công hơn thông qua bài học từ chính những trở ngại này. Nếu chỉ có tài năng, trí thông minh… sẽ không đủ kỹ năng để nuôi dưỡng một nhà lãnh đạo tài ba.
4. Am hiểu kỹ thuật số – Digital Savviness – kỹ năng của nhà quản trị trong thời đại mới
Chuyển đổi số được xem là xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Theo đó, một CEO toàn diện cần am hiểu sâu sắc, hoặc tối thiểu phải có khối lượng kiến thức nhất định về kỹ thuật số.
Bởi lẽ, từ việc xuất hiện phương thức làm việc từ xa, cho đến sự bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tất cả đều đòi hỏi các CEO phải bắt kịp xu hướng phát triển này. Bằng cách khai thác công nghệ kỹ thuật số và tận dụng phân tích dữ liệu, các CEO có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn, phân bổ nguồn lực và vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Ngoài nhận thức cơ bản về công nghệ, các CEO cũng cần có khả năng nhìn nhận cơ hội tăng trưởng và rủi ro liên quan đến các công nghệ mới nổi. Bên cạnh những lợi ích tích cực trong việc gia tăng khả năng mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất làm việc…mà công nghệ mang lại, các hoạt động kỹ thuật số cũng tiềm ẩn không ít rủi ro liên quan đến an ninh mạng, pháp lý thiếu minh bạch. Theo đó, các CEO cần tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật số, để có thể dẫn dắt tổ chức phát triển đúng hướng.
Công nghệ đang dần định hướng tương lai của mọi ngành nghề, các nhà điều hành nhất định phải nhạy bén với sự thay đổi liên tục của kỹ thuật số để không bị tụt lại phía sau giới trẻ và bắt kịp nhịp độ phát triển thời đại.
→ Có thể bạn quan tâm: Khóa học quản trị công nghệ, đổi mới sáng tạo thuộc Chương trình Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh dành cho các nhà Quản Lý – EMBA. Khóa học tích hợp các yếu tố, nguồn lực từ kinh tế, công nghệ và con người thông qua đó tạo điều kiện cho người học tiếp cận sự đổi mới và sáng tạo trong quản lý.
5. Năng lực điều hành – Executive Leadership
Để trở thành một CEO thực thụ, các nhà lãnh đạo và đặc biệt là chủ doanh nghiệp phải hiểu và khai thác tối đa năng lực trao quyền. Đừng ôm hết tất cả công việc, mà cần xây dựng một đội ngũ nhân sự có năng lực. Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng từ các nghiệp vụ chuyên môn, mà còn giúp giám đốc điều hành có cách tiếp cận vấn đề và đưa ra quyết định một cách tổng quan và toàn diện.
Nhà điều hành thông minh nên đưa ra những quan điểm và bộ kỹ năng quản trị đa dạng cho nhân sự cấp dưới để bổ sung cho thế mạnh của mình. Ví dụ, trong một nghiên cứu về 20 công ty hàng đầu trên thị trường chứng khoán Ireland, có khoảng 40% CEO không phải là kế toán viên có trình độ. Theo đó, các CEO củng cố chiến lược cho đội ngũ của mình thông qua việc tìm kiếm vị trí CFO dày dạn kinh nghiệm.
Bằng cách này, các CEO có thể tập trung phát triển lợi thế cạnh tranh của họ trong các công tác quản lý rủi ro, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao sức mạnh tổng thể của tổ chức.
Ngày càng có nhiều CEO nhận thấy rằng, đã đến lúc cần thoát ra khỏi mô hình quản lý cứng nhắc từ trên đưa xuống, thành công của một CEO sẽ gắn liền với năng lực đóng góp và tinh thần nỗ lực của tập thể. Tạo nên sức mạnh đồng lòng của tổ chức cũng là kỹ năng quản lý nhất định phải trau dồi.
Kể từ 2024, lãnh đạo con người, sự linh động, tư duy cầu tiến, kiến thức về kỹ thuật số và năng lực điều hành là bộ kỹ năng quản lý mà một CEO cần có. Những kỹ năng quản trị này không đơn thuần thể hiện phong cách lãnh đạo của một nhà quản trị, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của một tổ chức.
Mau chóng hoàn thiện các kỹ năng cốt lõi này để có thể trở thành một CEO trong tương lai, hoặc tiếp tục hoàn thành tốt vai trò, chức trách của mình ở vị trí giám đốc điều hành hiện tại. Chúc các bạn thành công!