Phân biệt giữa CSR và ESG

So sánh CSR và ESG

Khi các công ty cố gắng tạo ra tác động tích cực đến xã hội và môi trường, CSR và ESG đóng một vai trò thiết yếu trong việc đạt được sự phát triển bền vững. Việc cân nhắc tập trung và phân bố nguồn lực vào ESG hay CSR cũng trở thành một nỗi băn khoăn riêng của doanh nghiệp. 

Thực tế, chọn lựa chiến lược CSR hay ESG tùy thuộc vào mục đích, tiềm lực của mỗi tổ chức. Chúng ta chỉ có thể đưa ra đặc trưng của từng mô hình, rồi để phần còn lại cho các lãnh đạo doanh nghiệp, vì họ là người hiểu rõ nhất về “đứa con” của mình nhất. Và những đặc trưng cũng như sự khác biệt của 2 chiến lược CSR và ESG là gì? Bài viết này sẽ giải thích phần nào giúp bạn!

Phân biệt ESG và CSR

CSR là gì? 

CSR (Corporate Social Responsibility) là viết tắt của “Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”. 

CSR là tiêu chuẩn đạo đức và trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp tự thúc đẩy. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thể hiện trách nhiệm của mình trong công cuộc đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội bằng nhiều hoạt động tích cực. Các công tác này được doanh nghiệp chủ động thực hiện để tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp và được yêu quý bởi khách hàng hơn.

Các hoạt động CSR thường bao gồm những chương trình từ thiện, như quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện, hỗ trợ giáo dục và y tế cho cộng đồng, các chương trình trồng rừng, quyên góp vật phẩm tái chế, hay nghiên cứu bao bì chất liệu tối ưu giảm thiểu rác thải,… 

ESG là gì? 

ESG là viết tắt của cụm từ Environmental (môi trường), Social (xã hội), và Governance (quản trị doanh nghiệp). 

ESG là một hệ thống đánh giá bởi các bên đối tác và nhà đầu tư. Dưới góc độ kỹ thuật, ESG là khái niệm dùng cho các quỹ đầu tư, thực chất là một bộ tiêu chí bao gồm 3 yếu tố liên quan đến quản trị (governance), môi trường (environment) và xã hội (social). Mục đích nhà đầu tư tạo ra bộ tiêu chí là tạo cơ sở để ra quyết định đầu tư, giúp họ kiểm soát rủi ro trong việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.

Điểm số ESG sẽ được đánh giá dựa trên 3 tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của công ty. Điểm ESG càng cao, sẽ càng tăng lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm: 

Phân biệt chiến lược ESG và chiến lược CSR

Khác biệt giữa ESG và CSR là gì

Cùng là những chiến lược được phát triển để phục vụ “Phát triển bền vững”, CSR và ESG vẫn mang những đặc trưng và mục tiêu riêng biệt. Một vài yếu tố tương đồng cũng như sự khác nhau giữa 2 khái niệm này bao gồm: 

Sự liên quan: 

CSR hay ESG đều là những khái niệm chỉ một doanh nghiệp ngoài việc tạo ra lợi nhuận, còn tạo ra tác động tích cực cho môi trường và xã hội như thế nào. Phát triển bền vững là khái niệm bao trùm, tổng quát nhất trong tất cả các khái niệm hiện nay. 

Để đạt được phát triển bền vững, cần thỏa mãn 3 yếu tố về lợi nhuận, môi trường và xã hội (mô hình 3P gồm People – con người, Planet – Hành tinh/dịch vụ, Profit – lợi nhuận). CSR, CSV, ESG là những góc nhìn khác nhau về phát triển bền vững, là cách tiếp cận hoặc công cụ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Và thực tế, CSR chiếm phần lớn trong phần “S” (Social) của ESG.

Cụ thể, khía cạnh xã hội trong ESG thường tập trung vào các yếu tố và hoạt động có liên quan đến nhân quyền, quyền lao động, đa dạng và bình đẳng, an toàn và chất lượng công việc, quan hệ công đồng và quyền lợi của khách hàng. Những chương trình này cũng là những yếu tố cốt lõi của chiến lược CSR của một công ty, được công ty xác định theo các cách riêng.

Sự khác nhau của ESG và CSR 

So sánh CSR và ESG

Mục đích của tiêu chuẩn ESG và chiến lược CSR

CSR nhằm mục đích yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm một cách chủ động, còn các tiêu chí của ESG hướng tới mục đích đo lường các nỗ lực của doanh nghiệp.

Cụ thể, CSR đề thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với bất kỳ tác động nào mà họ tạo ra, cho dù là về mặt xã hội, môi trường hay kinh tế. CSR không phải là một khái niệm được quy định bởi pháp luật và việc thực thi CSR là không bắt buộc.

Trong khi đó, ESG được đề ra để phục vụ mục đích “quản lý các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động kinh doanh của một công ty”. ESG không chỉ xem xét những khía cạnh tích cực mà công ty có thể đóng góp cho xã hội và môi trường, mà còn đánh giá các rủi ro và tác động tiêu cực của công ty đối với các vấn đề ESG. Các doanh nghiệp không bắt buộc thực hiện ESG trên pháp lý. 

Các công ty thường xây dựng một báo cáo ESG thường niên (Annual ESG Report) – một tài liệu chứa thông tin về các hoạt động và thành tựu của một công ty trong việc quản lý và thực hiện các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty. Đây là một công cụ quan trọng để công bố và chia sẻ thông tin với các bên liên quan, bao gồm cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng, nhà cung cấp, và cộng đồng.

Tính đo lường 

Thường thì CSR có tính chất định tính do sự phức tạp của việc đo lường tác động xã hội, trong khi các tiêu chí ESG có xu hướng định lượng hơn. Sự phân biệt này có thể tạo ra áp lực, vì không có một cách thống nhất để đo lường các tác động của yếu tố “S”. Vấn đề này đòi hỏi các công ty và tổ chức phải xác định rõ hơn cách họ đo lường các cam kết đối với CSR, từ đó chuẩn bị dữ liệu để chứng minh các kết quả. 

Ví dụ, Công ty A tổ chức một chương trình tình nguyện nhằm cung cấp thức ăn cho trẻ em đói nghèo. Tuy nhiên, tác động dài hạn của chương trình đến hiệu suất học tập hay trạng thái sức khỏe của các em có thể không được phản ánh đầy đủ.

Sức ép để đo lường phần “S” trong ESG phát sinh từ việc tiến bộ trong việc đo lường phần “E” (môi trường) hay việc đo lường tác động môi trường như giảm lượng CO2 hoặc sử dụng vật liệu bền vững. Trái lại, việc đo lường tác động của các hoạt động CSR thường phức tạp hơn và yêu cầu sự hiểu biết tinh tế về các hoạt động xã hội.

Phạm vi thời gian 

CSR: Thường tập trung vào các hoạt động và cam kết cụ thể của doanh nghiệp trong thời gian ngắn hơn, như các chương trình từ thiện hoặc dự án hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Và mặc dù CSR có thể đóng góp đáng kể vào cải thiện hình ảnh công ty và tạo lòng tin từ phía khách hàng, nhưng nó thường được coi là một phản ứng sau cùng đối với các vấn đề xã hội và môi trường. 

ESG: Được xem là một tiến trình bền vững, tập trung vào việc tích hợp các yếu tố ESG vào chiến lược dài hạn của doanh nghiệp và thay đổi cách thức quản lý và hoạt động. Các tiêu chí ESG nhằm tạo lập những giá trị tích cực mang tính nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp lẫn cộng đồng trong tương lai. 

Đối tượng tác động của ESG và CSR

CSR giúp thương hiệu hiện diện trước mắt khách hàng với gương mặt hào phóng, nhân ái và văn minh. Với cái nhìn dài hạn, nhiều công ty hàng đầu trên thế giới đã thúc đẩy và đặt CSR trở thành ưu tiên trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu. Do đó, điều này cũng giúp khách hàng và thương hiệu gắn kết hơn. Cho dù là một tập đoàn lớn hay nhỏ, hãy dành thời gian và nỗ lực để cống hiến vào sự phát triển bền vững của xã hội thông qua các hoạt động CSR, đó cũng là cách để xây dựng thương hiệu bền vững cho doanh nghiệp

ESG mang lại nhiều tác động trong việc mở rộng quy mô kinh doanh và thúc đẩy hợp tác thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Khảo sát từ PwC trên 325 nhà phân tích tài chính cho thấy, hầu hết những người được khảo sát đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ quyết định hợp tác. Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.

Tóm lại, với sự phát triển vượt bậc về ý thức xã hội của cộng đồng, ESG và CSR đã trở thành hai khái niệm quan trọng để các doanh nghiệp chiếm lấy các vị thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của khách hàng và nhà đầu tư. Hiểu rõ sự khác biệt giữa ESG và CSR đi kèm với tầm quan trọng của chúng là điều cần thiết cho các chuyên gia trong việc quản trị doanh nghiệp.

Facebook
LinkedIn
Email
Print
Viện Công Nghệ Châu Á - AIT

Trường Quản Lý - SOM

Mục tiêu của chúng tôi tại Trường Quản lý (SOM) là tác động đến chất lượng giáo dục và thực tiễn quản lý ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới: nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, dẫn đầu công nghệ, tinh thần kinh doanh, sự giàu có sự sáng tạo và niềm tự hào.

0
Năm
Thành lập
0 0
Chương trình
Đào tạo

CONTACT US

Kết nối cùng SOM-AIT để cập nhật thêm thông tin về các chương trình: Thạc sĩ, Tiến sĩ, Đào tạo ngắn hạn, học bổng…