Chuyển đổi số trong sản xuất không chỉ đơn thuần là việc nâng cấp thiết bị mà còn là quá trình tái cấu trúc toàn diện nhằm tối ưu hóa quy trình, cải thiện chất lượng và giảm thiểu chi phí. Vậy làm thế nào để chuyển đổi số? Bài viết này sẽ hướng dẫn để doanh nghiệp sản xuất ứng dụng chuyển đổi số thành công.
Chuyển đổi số trong sản xuất là gì?
Chuyển đổi số trong sản xuất là quá trình ứng dụng công nghệ số vào toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu quản lý, giám sát, đến vận hành và phân phối. Các công nghệ phổ biến bao gồm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và hệ thống tự động hóa. Mục tiêu chính của chuyển đổi số là giúp doanh nghiệp tối ưu sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thay đổi của thị trường.
5 Lợi ích chính của chuyển đổi số trong sản xuất
Chuyển đổi số mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, cụ thể là:
1. Tăng hiệu quả sản xuất: Công nghệ hiện đại giúp tối ưu quy trình, giảm lãng phí và nâng cao năng suất.
2. Giảm chi phí: Tự động hóa và giám sát theo thời gian thực giúp cắt giảm các chi phí không cần thiết, đặc biệt là chi phí nhân công và bảo trì.
3. Nâng cao chất lượng sản phẩm: Hệ thống giám sát và phân tích kịp thời phát hiện lỗi, tăng độ chính xác và chất lượng sản phẩm.
4. Khả năng dự báo và quản lý rủi ro tốt hơn: Dữ liệu lớn và AI giúp doanh nghiệp phân tích xu hướng, dự đoán nhu cầu và thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường.
5. Cải thiện trải nghiệm khách hàng: Quy trình sản xuất hiệu quả hơn giúp doanh nghiệp đáp ứng đơn hàng nhanh chóng và cung cấp sản phẩm chất lượng.
Hướng dẫn các bước chuyển đổi số trong sản xuất
Bước 1: Đánh giá hiện trạng và các thách thức khi chuyển đổi
Trước khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, doanh nghiệp cần đánh giá hệ thống sản xuất hiện tại để xác định các điểm mạnh, điểm yếu và những thách thức có thể gặp phải.
Đánh giá nội tại là bước không thể bỏ qua. Điều này giúp doanh nghiệp phân tích kỹ lưỡng quy trình sản xuất, thiết bị hiện có, công nghệ đang dùng và hiệu suất hệ thống để nhận diện các vấn đề cần cải thiện.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất đòi hỏi rất nhiều về nguồn lực và kỹ năng, vì vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị trước các biện pháp để đối diện với các thách thức như chi phí đầu tư cao, kháng cự thay đổi từ nhân viên hoặc khó khăn trong việc tích hợp hệ thống.
Bước 2: Xác định mục tiêu chuyển đổi dựa trên từng loại chuyển đổi
Doanh nghiệp cần thiết lập mục tiêu rõ ràng cho quá trình chuyển đổi. Để làm được điều này, cần hiểu các loại chuyển đổi trong sản xuất, từ đó đưa ra được giải pháp chuyển đổi phù hợp và bám sát mục tiêu. Các loại hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất thường gặp:
- Chuyển đổi quy trình: Tái cấu trúc các quy trình hiện tại để tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí, ví dụ như tự động hóa kiểm tra chất lượng sản phẩm.
- Chuyển đổi mô hình kinh doanh: Áp dụng các mô hình kinh doanh hoặc phát triển các sản phẩm sẵn có trên công nghệ mới. Ví dụ: một công ty có thể chuyển từ bán thiết bị sản xuất sang cung cấp dịch vụ cho thuê thiết bị kèm dịch vụ bảo trì từ xa qua IoT. Hoặc sử dụng công nghệ thực tế ảo, ứng dụng có khả năng tương tác cao… để tăng trải nghiệm của khách hàng đối với sản phẩm.
- Chuyển đổi nền tảng: Xây dựng các nền tảng kỹ thuật số để chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các bộ phận trong doanh nghiệp sản xuất.
- Chuyển đổi tổ chức: Thay đổi văn hóa doanh nghiệp, phát triển kỹ năng số cho nhân viên, giúp họ sẵn sàng làm việc trong môi trường mới.
→ Có thể bạn quan tâm: Phân loại các loại hình sản xuất và chiến thuật tương ứng cho doanh nghiệp
Bước 3: Lựa chọn công nghệ và giải pháp phù hợp
Dựa trên mục tiêu đã đề ra, doanh nghiệp cần chọn công nghệ và giải pháp phù hợp. Một số công nghệ nổi bật bao gồm:
- Hệ thống IoT: Kết nối thiết bị sản xuất và thu thập dữ liệu theo thời gian thực.
- AI: Phân tích dữ liệu để phát hiện xu hướng và tối ưu quy trình.
- Hệ thống quản lý sản xuất thông minh: Giúp giám sát và cải thiện năng suất tổng thể.
Có thể bạn quan tâm:
- Tham khảo 12 ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất.
- Chương trình PMDS – Thạc sĩ chuyên nghiệp về Khoa học dữ liệu và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Bước 4: Đào tạo nhân viên và xây dựng sự đồng thuận
Đào tạo nhân viên không chỉ giúp họ nắm vững công nghệ mới mà còn giảm thiểu sự kháng cự trong nội bộ. Truyền đạt rõ lợi ích của chuyển đổi số và tạo điều kiện để nhân viên tham gia quá trình thay đổi sẽ giúp họ đồng thuận và ủng hộ quá trình chuyển mình của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ hơn.
Bước 5: Triển khai từng bước để giảm thiểu rủi ro
Thay vì triển khai đồng loạt, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ các bộ phận nhỏ hoặc quy trình đơn giản để dễ kiểm soát tiến độ và giảm rủi ro. Ví dụ, thử nghiệm IoT trong một dây chuyền trước khi áp dụng toàn bộ nhà máy.
Bước 6: Theo dõi, đánh giá và điều chỉnh liên tục
Chuyển đổi số là quá trình cần sự kiên trì và điều chỉnh thường xuyên. Doanh nghiệp cần đặt ra các chỉ số hiệu suất để đánh giá định kỳ, từ đó điều chỉnh kịp thời khi gặp phải bất cập.
5 Lời khuyên hữu ích để chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất
1. Chiến lược đồng bộ: Đảm bảo chiến lược chuyển đổi số liên kết với mục tiêu kinh doanh và có thể đo lường được hiệu quả.
2. Quản lý và chuẩn hóa dữ liệu: Dữ liệu là cốt lõi của chuyển đổi số, vì vậy doanh nghiệp cần quản lý dữ liệu chặt chẽ, đảm bảo tính kết nối và khả năng truy xuất của dữ liệu.
3. Sự tham gia của nhân viên: Chuyển đổi thành công khi có sự ủng hộ từ nhân viên ở tất cả các cấp. Tạo không gian để họ đóng góp ý kiến và cảm nhận quyền sở hữu đối với dự án.
4. Lựa chọn đối tác công nghệ đáng tin cậy: Xác định các đối tác có chuyên môn sản xuất để hỗ trợ doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi dài hạn, không chỉ tập trung vào chi phí mà còn tính đến năng lực công nghệ.
5. Đánh giá và tối ưu hóa liên tục: Luôn xem xét và tối ưu chiến lược chuyển đổi số để phù hợp với sự thay đổi của thị trường và công nghệ.
Tóm lại, chuyển đổi số trong sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả mà còn nâng cao khả năng thích nghi với thay đổi thị trường. Những bước hướng dẫn trên sẽ là nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số, giúp tối ưu quy trình sản xuất và tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.
→ Có thể bạn quan tâm: Chương trình PM BADT – Thạc Sĩ Chuyên Nghiệp về Phân Tích Kinh Doanh và Chuyển Đổi Số