Theo dự đoán của Gartner, các Giám đốc Quản lý Hạ tầng và Vận hành (I&O) sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách để đáp ứng các yêu cầu từ cấp quản lý cấp cao trong tương lai. Các thử thách này xoay quanh việc “đổi mới” doanh nghiệp và tối ưu lợi ích kinh doanh giữa dòng chảy công nghệ cùng vô số những biến động trên thế giới. Cụ thể, chúng là những thử thách gì và phải làm sao để vượt qua? Bài viết sau đây đã tổng hợp rõ 3 trọng điểm từ báo cáo của Gartner, cùng tham khảo nhé:
Thử thách 1 – Ngân sách cho các hoạt động của doanh nghiệp cao hơn
Theo một khảo sát các nhà quản lý và giám đốc vận hành (I&O – Infrastructure & Operations) của Gartner mới đây, 24% lãnh đạo tham gia phỏng vấn đã có dự định tăng ngân sách cho các hoạt động của doanh nghiệp lên hơn 10%. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa hẳn là an toàn.
Trong tình hình thị trường có nhiều biến động khó đoán, các doanh nghiệp có thể cần phải thay đổi cách họ phân bổ ngân sách. Ngoài ra, mức lạm phát ngày càng tăng cũng khiến các lãnh đạo đau đầu hơn. Tóm lại, việc quản lý ngân sách và quyết định về việc tiêu tiền của các tổ chức sẽ là một thử thách lớn với các lãnh đạo trong những năm tới đây.
Hướng giải quyết cho nhà quản lý vận hành:
Giải pháp Gartner để ra để dự kiến và chuẩn bị cho một nguồn ngân sách cần thiết xoay quanh việc:
- Tăng hiệu quả kinh doanh bằng việc đổi mới, đáp ứng insight khách hàng;
- Cải thiện chất lượng bộ máy, giảm chi phí và rủi ro trong quy trình vận hành
Cụ thể, các nhà lãnh đạo I&O cần hiểu rõ hơn về các mục tiêu kinh doanh, làm rõ các chỉ số hiệu suất quan trọng (KPIs). Đặc biệt, họ cần nắm bắt xu hướng thị trường, tâm lý và nhu cầu của khách hàng bằng cách thu thập và phân tích các dữ liệu liên tục.
Để làm được điều này, cần đảm bảo các công tác chính sau đây:
- Theo dõi toàn cảnh bức tranh công nghệ, xác định các xu hướng mới, đề xuất các giải pháp để cải thiện hoạt động và sản phẩm của bạn dựa trên xu hướng đó.
- Chọn lọc hợp tác với nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ phù hợp để tối thiểu chi phí và tối ưu quá trình sản xuất hàng hóa
- Giảm nợ kỹ thuật và hạn chế rủi ro. Nợ kỹ thuật là chi phí phát sinh khi bạn không giải quyết các công nghệ cũ hoặc không hiệu quả. Bằng cách loại bỏ các sản phẩm và dịch vụ lỗi thời và triển khai những cái mới, doanh nghiệp có thể giảm nợ kỹ thuật và giảm thiểu các rủi ro liên quan, như sự cố hệ thống hoặc lỗ hổng bảo mật.
- Sử dụng cảm biến và dữ liệu vị trí để theo dõi, chọn lọc các quy trình tối ưu và linh hoạt nhất; cải thiện chất lượng sản phẩm thông qua theo dõi thời gian thực và nâng cao an toàn cho nhân viên bằng cách theo dõi vị trí và hoạt động của họ.
→ Xem thêm khóa học về phân tích kinh doanh và chuyển đổi số cho nhà quản lý
Thử thách 2: Khan hiếm nguồn nhân lực/nhân sự chuyên môn cao kéo dài
Những vấn đề kéo dài từ đại dịch, trào lưu nghỉ việc và cuộc đua tranh giành nhân lực từ các công ty có thể tạo ra tình trạng thiếu thốn nhân lực/nhân sự chuyên môn cao của doanh nghiệp trong dài hạn. Việc tìm kiếm và thu hút tài năng từ bên ngoài tổ chức có thể trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Hướng giải quyết cho nhà quản lý và giám đốc vận hành:
Để đảm bảo doanh nghiệp được vận hành trơn tru và đứng vững trước những đối mới trong tương lai, lãnh đạo cần tập trung vào các việc: xác định những tố chất của một nhân sự tiềm năng trong tương lai, giữ chân nhân tài hiện có và phát triển bộ kỹ năng/kiến thức cần thiết cho các nhân tài mới.
Đặc biệt, lãnh đạo phải đặt việc quản lý tài năng và phát triển kỹ năng lên hàng đầu nếu muốn thành công trong việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ và công nghệ. Thậm chí, doanh nghiệp có thể thực hiện một chiến lược xoay quanh việc đề xuất, phát triển và trao đổi giá trị với các nguồn nhân lực tương lai.
Cụ thể, cần tập trung vào những công tác sau:
- Tăng cường tính linh hoạt trong công việc, tạo điều kiện để nhân viên quản lý thời gian và công việc của họ một cách hiệu quả hơn.
- Hợp tác với bộ phận nhân sự có thể giúp xác định và xây dựng các lộ trình phát triển kỹ năng cho nhân viên, giúp họ phát triển và tiến xa trong sự nghiệp.
- Loại bỏ những yếu tố gây cản trở cho sự phát triển của nhân viên, trao quyền đúng lúc, tạo ra cơ hội thăng tiến, và giúp nhân viên phát triển tài năng hiệu quả.
- Phát triển các chiến lược đánh giá giá trị người lao động nhận từ tổ chức. Từ đó, tạo ra một môi trường làm việc đủ hấp dẫn để thúc đẩy sự phát triển, đảm bảo độ hài lòng của nhân viên thông qua những yếu tố:
- Sự công bằng trong chính sách đãi ngộ
- Cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân
- Sự ổn định trong tổ chức
- Địa điểm làm việc
- Khả năng ứng dụng công nghệ của tổ chức
Thử thách 3: Cân bằng giữa đổi mới và công năng của doanh nghiệp
Dù có nỗ lực đổi mới tổ chức để tiến bộ hơn thế nào đi nữa, lãnh đạo cũng không được quên những mục tiêu quan trọng nhất của một doanh nghiệp như doanh thu, hiệu suất hay giá trị cốt lõi. Trong mọi bối cảnh, lãnh đạo cần xác định lại đâu là vấn đề cần ưu tiên của tổ chức, từ đó đưa ra các phương án giải quyết tối ưu nhất để không bị lạc hướng.
Hướng giải quyết cho giám đốc vận hành:
Để giải quyết việc này, các lãnh đạo nên đầu tư, phát triển hệ thống tự động hóa trong các hoạt động Quản lý Hạ tầng và Vận hành. Hệ thống quy trình tự động sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng cường hiệu quả công việc mà vẫn tiết kiệm thời gian lẫn nhân lực. Từ đó, chúng ta có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc nâng cấp, đổi mới nhân lực lẫn ngâm cứu, cải thiện bộ máy toàn diện.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nhiều tổ chức vẫn đang thi nhau lạm dụng việc “tự động hóa quy trình kinh doanh” mà không cân nhắc chọn lọc các giải pháp thông minh và bền vững. Không phải cứ tự động hóa nhiều nhất có thể, mà là cân nhắc để hiểu đâu là chỗ cần áp dụng tự động hóa, và áp dụng như thế nào để tối ưu cả ngân sách lẫn thời gian.
Để làm được điều này, cần thực hiện 3 giai đoạn “tự động hóa” quy trình như sau:
Giai đoạn 1: Bắt đầu đạt hiệu quả
Ở giai đoạn này, tự động hóa được sử dụng để tối ưu hóa hiệu suất và hiệu quả trong các hoạt động Quản lý Hạ tầng và Vận hành (I&O). Điều này bao gồm việc giảm thiểu rủi ro và sai sót do con người gây ra, cũng như tăng cường khả năng tự phục vụ của các quy trình. Tự động hóa ở giai đoạn này có thể giúp chuyển tài nguyên con người từ các nhiệm vụ phức tạp và lặp đi lặp lại sang các dự án chiến lược hơn.
Giai đoạn 2: Nâng cao năng suất
Giai đoạn này đặt nặng vào việc tăng cường năng suất. Tự động hóa được sử dụng để gia tăng tốc độ và sản lượng của các quy trình và dịch vụ. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp các dịch vụ phức tạp hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhanh hơn và tạo sự hài lòng. Tự động hóa ở giai đoạn này giúp tối ưu hóa sự sáng tạo và hiệu suất của doanh nghiệp.
Giai đoạn 3: Tối thiểu chi phí
Giai đoạn cuối liên quan đến việc giảm thiểu chi phí. Sau một thời gian ứng dụng tự động hóa thành thạo, doanh nghiệp sẽ dùng tự động hóa để loại bỏ các chi phí hiện tại hoặc tiềm năng trong tương lai. Điều này có thể bao gồm cả việc giảm số lượng nhân viên cần thiết cho các quy trình và dịch vụ đã được tự động hóa. Thậm chí, tự động hóa có thể được sử dụng để đổi mới và tạo ra giá trị mới thay vì chỉ duy trì tình trạng hiện tại.
Tóm lại, với vai trò là lãnh đạo Quản lý vận hành (I&O), bạn sẽ cần đưa ra rất nhiều những quyết định về chi phí, nhân tài và chiến lược trong tương lai. Tất cả những quyết định này đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc công ty của bạn hoạt động trong những thời điểm thị trường khó khăn, đồng thời thể hiện năng lực của bạn với cấp cao.
Vì vậy, hãy liên tục quan sát thị trường, trau dồi chuyên môn và phân tích kỹ lưỡng các case study lớn để đưa ra quyết định chính xác vào đúng thời điểm!
→ Có thể bạn quan tâm: 6 yếu tố định hình doanh nghiệp trong thập kỷ 2021-2030